Vĩnh Thạnh: Ðẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Ông Đặng Hữu Lập, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Tỷ lệ hộ nghèo ở Vĩnh Thạnh chiếm 44,3%. Hầu hết các hộ nghèo đều chưa có việc làm ổn định, thiếu kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi… Thực hiện chủ trương giảm nghèo, hằng năm Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề theo địa chỉ và nhu cầu việc làm của người lao động. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, Phòng đã phối hợp với các Đoàn thể tổ chức 3 lớp dạy nghề chăn nuôi, trồng trọt cho 105 nông dân. Đến nay, tỷ lệ lao động được đào tạo, bồi dưỡng nghề chiếm 41% so với tổng số lao động trong toàn huyện. Nhờ tổ chức tốt công tác đào tạo nghề, mỗi năm huyện Vĩnh Thạnh đã giải quyết được từ 600 đến 700 việc làm mới cho lao động nông thôn.
Chị Đinh Thị Bôi, người dân tộc Ba na ở làng K3, xã Vĩnh Sơn, đã đầu tư trồng rau an toàn sau khi được học nghề.
Huyện hiện có Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tham gia đào tạo các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho lao động nông thôn, trình độ dưới 3 tháng và sơ cấp. Các nghề nông nghiệp chủ yếu là kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò, lợn, gia cầm, thủy cầm; kỹ thuật trồng, quản lý dịch hại trên cây trồng; kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả, cây nguyên liệu giấy…
Công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn cũng được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quan tâm thực hiện. Phòng LĐ-TB&XH huyện thực hiện hiệu quả. Chị Đinh Thị Bôi, người dân tộc Ba na, ở làng K3, xã Vĩnh Sơn, cho biết: “Năm 2017, tôi được tham gia học nghề trồng rau an toàn tổ chức tại địa phương. Vì vừa học vừa được ứng dụng thực tế nên chúng tôi dễ dàng nắm bắt những kiến thức cơ bản về trồng rau an toàn. Đến nay, bà con chúng tôi đã tự trồng được rồi”.
Còn ông Trần Thành Thái, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Trung tâm cũng đã không ngừng tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề. Danh mục nghề đào tạo được bổ sung phù hợp theo nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương”.
XUÂN DŨNG