Nhớ nguồn
Tại Bình Định, để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, năm 1968, người dân Bình Định, mà chủ yếu là ở TP Quy Nhơn, đã tự nguyện đóng góp xây dựng Đền thờ Trấn Thánh Sơn Hà (nay là Đền thờ Đức Thánh Trần trên đường Trần Hưng Đạo, thuộc phường Thị Nại, TP Quy Nhơn). Từ năm 2000, Lễ tưởng niệm nhân ngày húy kỵ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo được ấn định tổ chức định kỳ vào ngày 20.8 âm lịch hàng năm. Và đây là sự kiện được chính quyền và nhân dân rất quan tâm.
Như bao lễ hội khác ở Bình Định, lễ tưởng niệm được tổ chức ấm cúng, gần gũi và tuyệt đối không có cảnh xô bồ, mua thần bán thánh, lợi dụng tín ngưỡng để hoạt động mê tín, dị đoan. Trước lối vào Đền thờ, lực lượng cảnh sát trật tự và các ĐVTN làm nhiệm vụ nhã nhặn hướng dẫn người dự lễ để xe gọn gàng. Những hộ dân ở gần Đền thờ cũng vui vẻ cho khách viếng để nhờ xe tại sân nhà mình. Nhờ vậy, đội lân và đội rồng có đủ không gian biểu diễn cho mọi người xem.
Mọi người nghe diễn văn ôn lại cuộc đời và thân thế của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
Năm nào cũng vậy, khi mọi người đã đến đông đủ, tất cả từ lãnh đạo tỉnh đến người dân cùng đứng nghiêm trang, chỉnh tề trước án thờ, lắng nghe diễn văn ôn lại thân thế, sự nghiệp của Đức Thánh Trần, rồi lần lượt từng người dâng hương trong thành kính và trật tự.
Không chỉ có vậy, những ngày này, dù thời tiết không đẹp, nhưng ở khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo (ở Hải Minh, TP Quy Nhơn) vẫn có khá nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đến chiêm bái vị anh hùng dân tộc. Ở lễ tưởng niệm diễn ra tại Đền thờ, bao giờ Ban tổ chức cũng mời nhiều học sinh, ĐVTN, bởi đó là thế hệ sẽ nối tiếp lịch sử hào hùng của ông cha ta. Thường ngày, học sinh Trường THCS Tây Sơn nhận chăm sóc Đền thờ Đức Thánh Trần, đến ngày húy kỵ, các em lại góp chút công sức vào việc tổ chức lễ (ảnh). Đối với người lớn, đây là dịp khắc sâu hơn lòng biết ơn, tự hào về thế hệ cha ông, với lớp trẻ, đây là cơ hội tiếp cận lịch sử bằng cách thức gần gũi, dễ nhớ nhất.
Đã thành lệ, ngoài những hoạt động được tổ chức theo nghi thức truyền thống như múa lân, múa rồng, múa lục cúng, nghi thức chào cờ, lễ dâng hương tưởng niệm, ngày húy kỵ còn thêm ấm áp bởi hoạt động xã hội. Năm nào cũng vậy, Ban tổ chức đều trao quà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn của TP Quy Nhơn tại Đền thờ. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn mời đoàn tuồng không chuyên Trần Quang Diệu biểu diễn phục vụ người dân. So với mọi năm, năm nay đã có thêm khá nhiều du khách, những khách lẻ không đi theo tour. Và điều thú vị là họ rất thích cái cách mà người Bình Định tưởng nhớ Đức Thánh Trần. Năm ngoái, một người bạn của tôi vào Quy Nhơn dịp này đã tấm tắc khen, cách làm của Bình Định khiến Ngài trở nên gần gũi, thân thiết như cụ kỵ tổ tiên trong nhà, lại góp phần khiến cộng đồng dân cư thêm đoàn kết, thông hiểu nhau.
ĐỖ THẢO