Bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững
Nhiều năm qua, ở tỉnh ta, ngành Thủy sản đã triển khai hàng loạt giải pháp bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, môi trường ven bờ; giúp người dân khai thác, nuôi trồng thủy sản đảm bảo sinh kế lâu dài.
Hoạt động thả tôm, cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại cửa biển Tam Quan (huyện Hoài Nhơn).
Đến thời điểm này, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh hơn 2.146 ha; sản lượng thu hoạch hơn 4.300 tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2018. Theo Chi cục thủy sản (Sở NN&PTNT), đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình cộng đồng nuôi tôm an toàn sinh học với tổng diện tích khoảng 170 ha tại các xã Hoài Mỹ, Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn), Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ), Phước Sơn, Phước Thắng (huyện Tuy Phước). Con số này chiếm tỷ lệ còn nhỏ nhưng ý nghĩa lại rất lớn. Ông Đặng Tấn Hùng, một hộ nuôi tôm ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước), cho hay: “Mô hình nuôi tôm cộng đồng theo hướng an toàn sinh học ở đây được xây dựng từ năm 2016 với 43 hộ tham gia. Các hộ tham gia cùng cải tạo ao, lấy nước và thả giống cùng thời điểm; hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong phòng ngừa dịch bệnh tôm, bảo vệ môi trường vùng nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Ngày 12.9.2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1176 phê duyệt chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo phê duyệt, tại tỉnh Bình Ðịnh, khu vực đảo Hòn Khô và bãi biển Hải Giang thuộc xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) được chọn là nơi bảo vệ, phục hồi sinh cảnh, bãi đẻ cho các loài rùa biển.
Nhằm nâng cao trách nhiệm của cộng đồng ngư dân trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản (NLTS) gắn với quản lý vùng nước, toàn tỉnh thành lập 15 mô hình đồng quản lý, bảo vệ NLTS tại 20 xã/phường ven biển, ven đầm.
Theo ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, công tác bảo vệ NLTS và môi trường, giữ gìn đa dạng sinh học vùng ven bờ được ngành Thủy sản và chính quyền các địa phương quan tâm. Từ đầu năm đến nay, Chi cục phối hợp với ngành chức năng, các địa phương tổ chức 39 chuyến tuần tra, kiểm soát, kiểm tra 183 lượt tàu khai thác thủy sản ven bờ, xử phạt 52 tàu cá vi phạm với số tiền hơn 132 triệu đồng.
Cùng với đó, công tác tái tạo NLTS tại các vùng nước ven bờ, vùng đầm, vịnh của tỉnh luôn được các địa phương chú trọng. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Hàng năm, huyện tổ chức lễ ra quân khai thác và tái tạo NLTS nhằm tuyên truyền ngư dân chấp hành pháp luật trong khai thác, bảo vệ NLTS. Đồng thời, tổ chức hoạt động thả tôm giống, cá giống xuống để tái tạo NLTS; riêng năm 2019, huyện đã thả 100 nghìn con tôm giống và 10.000 cá chẽm giống xuống cửa biển Tam Quan”.
Thời gian qua, công tác phục hồi, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn tại vùng đầm Thị Nại, Đề Gi được ngành chức năng triển khai, nhờ đó, diện tích rừng ngập mặn của tỉnh được phục hồi và phát triển góp phần chống biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cho người dân sống ven đầm.
Ông Dương Văn Tường, ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), bộc bạch: “Rừng ngập mặn là nơi trú ngụ của nhiều loài tôm, cua, cá... Người dân ở đây sinh sống bằng nghề khai thác thủy sản ven đầm Thị Nại có kế mưu sinh cũng nhờ những cánh rừng ngập mặn này được bảo vệ, chăm sóc nên bà con phấn khởi lắm. Chúng tôi vừa khai thác thủy sản vừa chung tay giữ rừng ngập mặn để các loài thủy sản tái tạo”.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, bảo vệ, phát triển NLTS và môi trường, giữ gìn đa dạng sinh học vùng ven bờ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trần Kim Dương cho biết thêm: Ngành Thủy sản tỉnh tăng cường quản lý hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản ven bờ, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học rạn san hô ven biển, vùng rừng ngập mặn ven đầm. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức chấp hành các quy định quản lý NLTS ven bờ, khai thác thủy sản gắn với bảo vệ, tái tạo NLTS, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân. Tham mưu Sở NN&PTNT, UBND tỉnh đề nghị công nhận và giao quyền quản lý cho 5/15 mô hình đồng quản lý bảo vệ NLTS ven bờ trong toàn tỉnh theo quy định của Luật Thủy sản…
ĐOÀN NGỌC NHUẬN