Hoạt động khám chữa bệnh: Nên có thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề?
Cho rằng việc khó kiểm soát chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh tạo ra “góc khuất”, ngành Y tế đặt vấn đề chỉ nên cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn thay vì vĩnh viễn như hiện nay.
Hoạt động KCB tại cơ sở y tế tư nhân đòi hỏi một tỷ lệ bác sĩ làm việc toàn thời gian.
Việc cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh (KCB) hiện thực hiện theo Luật KCB với hành lang pháp lý khá thuận lợi cho hoạt động này. Theo Sở Y tế, việc thực hiện quản lý và cấp chứng chỉ hành nghề KCB thời gian qua được Sở thực hiện đúng quy định. Đặc biệt, từ khi Trung tâm hành chính của tỉnh đi vào hoạt động, hoạt động này bài bản hơn, nhanh hơn. Đến nay, Sở Y tế đã cấp chứng chỉ hành nghề KCB cho 6.598 cá nhân theo quy định Luật KCB. Tuy nhiên, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ không có thời hạn xác định như hiện nay xảy ra tình trạng người được cấp chứng chỉ hành nghề không còn đủ khả năng, điều kiện hành nghề cho thuê, mướn lại chứng chỉ hành nghề của mình.
Có tên, nhưng làm việc chẳng bao nhiêu
“Dự thảo Luật đề cập đến việc tổ chức kỳ thi quốc gia, cấp chứng chỉ hành nghề KCB có thời hạn và những điều kiện khác được đưa ra tại nhiều hội thảo cấp bộ. Việc cấp chứng chỉ hành nghề đạt chất lượng cao và phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta cần được xem xét ở nhiều góc độ với phương châm đặt quyền lợi của người bệnh lên trên hết”.
Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG HÙNG
Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, chứng chỉ hành nghề được cấp một lần và có giá trị vĩnh viễn là không phù hợp vì liên quan đến sức khỏe, mức độ cập nhật của người hành nghề (nhất là sau khi nghỉ hưu), gây khó khăn trong thu hồi chứng chỉ. “Dù cá biệt nhưng đó là những bất cập xảy ra chủ yếu ở một số cơ sở y tế tư nhân khi thành lập phải có một tỷ lệ bác sĩ cơ hữu (làm việc toàn thời gian) theo quy định. Vấn đề này đã được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời; tuy nhiên ở một số trường hợp vẫn có tình trạng một số cơ sở, thầy thuốc có tên trong danh sách hành nghề, nhưng thời gian làm việc thực tế không nhiều - điều này pháp luật chưa quy định cụ thể nên cũng là bất cập”, ông Hùng phân tích.
Bác sĩ Đào Đô My, Trưởng Phòng Y tế TP Quy Nhơn cho hay, vấn đề “thuê mướn” chứng chỉ hành nghề thường xảy ra ở các phòng khám đa khoa; số lượng nhân viên tại phòng khám làm việc đông. Cơ sở KCB chuyên khoa quy định bắt buộc đăng ký KCB phải là bác sĩ chuyên khoa, nhưng thường hồ sơ chỉ đứng tên, còn thực tế KCB thường lại là người khác.
Mặt khác, các quy định của pháp luật hiện chưa rõ ràng và chi tiết gây khó khăn trong cấp chứng chỉ hành nghề. Đơn cử, quy định bác sĩ công tác tại trạm y tế tuyến xã được cấp chứng chỉ hành nghề đa khoa, nhưng không thể cấp như vậy. Bởi, khi làm việc tại trạm y tế thì đa khoa có thể chấp nhận được, nhưng sử dụng chứng chỉ đó để làm đa khoa tại nhà thì không được (chưa phân định giữa công và tư).
Nhiều ý kiến cho rằng, nên cấp chứng chỉ hành nghề KCB có thời hạn.
Nên cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn?
Bất cập trong cấp chứng chỉ hành nghề KCB là vướng mắc chung của nhiều địa phương trong cả nước. Việc không xác định thời hạn chứng chỉ hành nghề đã không tạo ra cơ chế để giúp cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, giám sát quản lý chất lượng người hành nghề khi chuẩn hóa các điều kiện chuyên môn, cập nhật kiến thức liên tục và quá trình hành nghề của người hành nghề.
Ông Lê Quang Hùng khẳng định, vấn đề được quan tâm nhất là làm sao có thể đảm bảo rằng người được cấp chứng chỉ sẽ hành nghề KCB đúng chất lượng khi chỉ thông qua các văn bằng, giấy tờ. Một khi chất lượng cấp chứng chỉ không đảm bảo, dẫn đến chất lượng hành nghề của người thầy thuốc không cao, ảnh hưởng đến điều trị cho người bệnh. “Việc cấp chứng chỉ hành nghề cần có thời hạn, ít nhất là 5 năm và cũng nên có độ tuổi nhất định”, người đứng đầu ngành Y tế tỉnh đề xuất.
Đồng quan điểm, bác sĩ Đào Đô My cũng cho rằng, chứng chỉ hành nghề KCB cần có thời gian. Sau cấp lại cần có giấy xác nhận cập nhật kiến thức, hoặc một dạng chứng nhận nào đó nhằm đảm bảo người được chứng nhận đủ điều kiện về năng lực chuyên môn, sức khỏe và độ minh mẫn để tham gia KCB.
Trước thực tế trên, tại Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật KCB diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế cho rằng, ngoài Việt Nam chỉ còn vài quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề không thời hạn. Sắp tới, sửa đổi Luật sẽ đề xuất quy định cần có kỳ thi do Hội đồng quốc gia trực tiếp sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề KCB và chứng chỉ này có giá trị trên toàn quốc; cũng như quy định thời hạn chứng chỉ.
Dưới góc nhìn của người trong cuộc, Giám đốc TTYT TX An Nhơn Lê Thái Bình cho hay, quy định về chứng chỉ hành nghề KCB như các nước là đúng, nhưng áp dụng cho Việt Nam cần phải tính toán phù hợp. Tình trạng cho thuê, mướn chứng chỉ là thực tế đang diễn ra, nên khâu quản lý phải chặt chẽ hơn.
MAI HOÀNG