Mỹ Thắng: Ði lên bằng đa ngành nghề
Bây giờ ở Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ), hầu hết các tuyến giao thông nông thôn đã được bê tông hóa, hai bên đường nhà xây ngói mới ken dày, hoạt động sản xuất nông-ngư nghiệp và các ngành nghề ngày càng phát triển… đã tạo nên bức tranh nông thôn tươi đẹp và đổi mới từng ngày.
Mỹ Thắng là xã biển nằm phía Đông Bắc huyện Phù Mỹ, có 2.560 hộ, tổng dân số hơn 12.500 người. Cơ cấu kinh tế hiện nay của Mỹ Thắng là nông - ngư nghiệp và các ngành nghề truyền thống, thương mại, dịch vụ. Nhờ phát triển đa ngành nghề, xã Mỹ Thắng đã đưa nền kinh tế của địa phương từng bước đi lên, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Về nông nghiệp, diện tích gieo trồng cả năm của xã hơn 390 ha, trong đó gần 280 ha lúa. Nhờ biết ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, năng suất lúa bình quân của xã đạt gần 58 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay, đã giúp cho người dân Mỹ Thắng đảm bảo được nguồn lương thực tại chỗ. Diện tích mía, mì, rau dưa các loại cả năm hơn 105 ha. Cùng với hàng chục ha lúa ven đầm Trà Ổ nhờ đập ngăn mặn Hoài Tân nên diện tích, năng suất ngày càng tăng. Nhất là vùng bàu Thanh Thủy từ khi có trạm bơm tiêu úng Phú Lộc “nhân dân và Nhà nước cùng làm” đã bơm nước ngược ra đầm Trà Ổ, để sản xuất hơn 100 ha lúa Đông Xuân muộn, góp phần mang lại nguồn lương thực đáng kể. Hiện nay, tổng lượng lương thực có hạt của Mỹ Thắng đã thực hiện bình quân 1.638 tấn/năm, tăng 29% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó lúa chiếm tỉ lệ chủ yếu.
Người dân Mỹ Thắng còn chú trọng phát triển chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 25.000 con, nhiều nhất là bò lai, heo hướng nạc. Cùng trên 50 ha, nuôi tôm thẻ chân trắng với sản lượng bình quân trên dưới 600 tấn mỗi năm, đem lại thu nhập khá cao.
Bên cạnh đó, Mỹ Thắng đã tích cực thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xác định vùng kinh tế trọng điểm phù hợp với từng loại cây, từng bước thu hẹp đất lúa chân cao, thiếu nước, canh tác khó khăn, năng suất bấp bênh sang sản xuất các loại cây trồng cạn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Các loại vườn tạp được cải tạo, chuyển sang trồng cây ăn quả; kết hợp khai thác có hiệu quả vùng đất đồi gò, động cát biển để trồng cây phát triển kinh tế trang trại, với tổng diện tích hơn 460 ha, góp phần nâng cao giá trị thu nhập bình quân trên một ha canh tác ở địa phương.
Hơn thế nữa, Mỹ Thắng còn có 234 tàu cá, tổng công suất 14.710 CV, trang thiết bị từng bước được hiện đại hóa để đủ sức vươn ra khơi xa, mang về bình quân hơn 10.000 tấn thủy sản các loại/năm, giá trị kinh tế hàng chục tỉ đồng, đưa nền kinh tế của xã Mỹ Thắng trong những năm qua tiếp tục tăng trưởng và phát triển, năm sau cao hơn năm trước.
Các ngành nghề truyền thống như: dệt chiếu, bao bì, chế biến nước mắm và khai thác đá chẻ tiếp tục duy trì và phát triển, góp phần nâng giá trị sản xuất của địa phương tăng bình quân hàng năm 11,25%, trong đó giá trị nông sản, thủy sản tăng 12,5%, công nghiệp xây dựng tăng 8,5%, thương mại, dịch vụ tăng 11,4%..., số hộ nghèo giảm mạnh, số hộ khá giả, giàu có tăng dần, bộ mặt nông thôn Mỹ Thắng không ngừng đổi mới.
THANH TRỌN - XUÂN LỘC