Một nông dân trẻ năng động
Đó là anh Nguyễn Bá Trình ở thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Anh Trình là người tích hợp tốt việc ứng dụng tiến bộ KHKT với kinh nghiệm trồng hoa của gia đình để vườn hoa rộng gần 3.000 m2 quanh năm ngập tràn hương sắc các loài hoa, mang lại thu nhập cao. Anh Trình tâm sự: “Từ lâu, tôi có mong muốn làng hoa của mình trồng nhiều loại hoa ngắn ngày bên cạnh cây cúc truyền thống. Làng hoa quanh năm rực rỡ hương sắc còn thu hút khách du lịch đến tham quan”.
Nguyễn Bá Trình chăm sóc vườn hoa nhà mình.
Được sự hỗ trợ của gia đình, nhất là người cha - ông Nguyễn Ngọc Tùng, người có hơn 30 năm trồng hoa ở thôn Bình Lâm, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bình Định (TX An Nhơn) vào năm 2013, anh Trình bắt đầu trồng thử nghiệm các loại hoa ngắn ngày ngay tại vườn nhà. Va chạm với thực tế khiến anh thấy mình cần bổ sung và cập nhật nhiều kiến thức, kỹ năng nên mỗi năm 2 lần anh Trình lại lên Đà Lạt học trồng hoa. Ngoài ra, còn thường xuyên mua sách, lên mạng tìm kiếm tài liệu để nghiên cứu ra cách gieo trồng hoa ngắn ngày phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở quê mình.
Ông Lê Văn Dư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hòa nhận xét: Hộ nhà ông Nguyễn Ngọc Tùng đi đầu trong thôn, trong xã về nghề trồng hoa, cho doanh thu cao. Đáng chú ý là sự đóng góp của người con Nguyễn Bá Trình, bên cạnh kinh nghiệm của người cha, đã gieo trồng hiệu quả nhiều loại hoa, bán hầu như quanh năm, từ 50.000 - 70.000/chậu; giá cả hợp túi tiền nên hoa nhà ông Tùng được người tiêu dùng rất ưa chuộng, tìm đến mua.
Từng có quãng thời gian hợp tác thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHKT để đa dạng hóa sản phẩm cây hoa cảnh tại làng nghề Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định” với Nguyễn Bá Trình, TS Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chủ nhiệm đề tài nhận xét: “Mong rằng tỉnh ta sẽ có thêm nhiều nông dân trẻ như Trình - vừa có kiến thức chuyên môn vững vàng vừa biết cách tiếp thu kinh nghiệm người đi trước, nhanh nhạy sáng tạo, thiết tha gắn bó với quê hương, tâm huyết phát triển làng nghề truyền thống của địa phương”.
NGỌC TÚ