An Lão khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm
Ông Trần Nam Trung, Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa (huyện An Lão), cho biết: Lúc cao điểm tại địa phương có khoảng 200 hộ làm nghề, diện tích trồng dâu vào khoảng 70 ha, doanh thu từ kén tằm lên đến 7 - 8 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, do giá kén có thời điểm xuống quá thấp kéo dài trong nhiều vụ nên nghề suy dần. Dù vậy một số nông dân các thôn Vạn Khánh, Vạn Xuân, Vạn Long, Trà Công… vẫn cầm cự cố giữ nghề trồng dâu nuôi tằm.
Giống dâu mới S7-CB vẫn sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện nắng hạn.
Trong khuôn khổ Đề án khôi phục và mở rộng diện tích trồng dâu chuyên canh, gắn với Đề án thành lập HTX dâu tằm tơ tại xã An Hòa, gần đây, ngành Nông nghiệp huyện và UBND xã An Hòa đã tổ chức cho một số cán bộ và bà con nông dân tham quan học tập tại vùng trồng dâu nuôi tằm Bảo Lộc, huyện đã mua hơn 1 tấn hom dâu giống S7-CB về cung cấp cho bà con nông dân trồng thử nghiệm vào cuối mùa mưa năm 2018. Nếu trước đây bà con trồng cây dâu bằng hạt, sử dụng các giống dâu cũ, thì nay, chỉ sau 5 tháng dùng giống mới - S7-CB, lại trồng bằng hom, năng suất đã tăng cao gấp đôi so với trước.
Chị Phan Thị Thanh Tâm, xóm 2, thôn Vạn Khánh, xã An Hòa, cho hay: Giống dâu mới S7-CB không những cho sản lượng cao, mà còn có nhiều ưu điểm như chịu hạn tốt, phiến lá dày, xanh tươi lâu hơn sau khi hái, ít sâu bệnh, dễ hái hơn do cuốn lá giòn, tằm thích ăn hơn nên hiệu quả cũng cao hơn. Trên cùng một đơn vị diện tích, lượng dâu hái được tăng gấp đôi so với trước, thời gian thu hoạch một lứa kén giảm đi nhiều. Nói chung từ việc thay đổi giống cây dâu, có một số thuận lợi khá lớn cũng đến với bà con.
Ông Trần Nam Trung, Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa (huyện An Lão), cho biết thêm: Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí về giống, kỹ thuật nuôi - trồng; kêu gọi đầu tư mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm tập trung chuyên canh, tiến tới hình thành HTX trồng dâu nuôi tằm tại địa phương. Và cũng sẽ xúc tiến để có thể tiếp cận những giống tằm mới.
ĐINH VĂN TOẠI