Làng mai bị ô nhiễm nghiêm trọng
Xã Nhơn An, thị xã An Nhơn là địa phương trồng mai xuân lớn nhất tỉnh ta. Vì vậy, quanh năm và nhất là vào các tháng trước Tết âm lịch, các nhà vườn ở đây tất bật với việc chăm sóc cây mai để chuẩn bị xuất bán. Tuy nhiên, hệ luỵ của việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất trừ sâu, rầy, kích thích ra hoa… đã làm môi trường nơi đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Cây mai ở xã Nhơn An được nhiều thương buôn khắp nơi biết đến và ưa chuộng, nhiều gia đình ở Nhơn An đã biết làm giàu với việc phát triển cây mai. Chính vì vậy mà diện tích trồng mai ở xã Nhơn An cũng như một số xã lân cận của thị xã An Nhơn phát triển rất nhanh.
Một trong những vấn đề cốt lõi để giữ cho cây mai phát triển tốt đó là phải phòng trừ sâu bệnh, nấm mốc hại cây. Ông Nguyễn Nam, chủ một vườn mai ở thôn Háo Đức, cho biết: Trong năm thì chu kỳ phun thuốc thường từ 20 - 30 ngày/lần; nhưng từ thời điểm tháng 10 âm trở đi, gần như chủ vườn nào cũng tăng cường phun các loại thuốc phòng sâu bệnh, nấm mốc, định kỳ cứ 7 đến 15 ngày là phải phun một lần. Cũng theo ông Nam, thời tiết có độ ẩm cao như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh và gây hại, cây mai rất dễ bị nhiễm bệnh nên phải tăng cường phun thuốc trừ sâu, nấm.
Để đảm bảo cây phát triển tốt, hàng trăm tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại, cùng các chất kích thích sinh trưởng có nguồn gốc hóa học đã được sử dụng, khiến một số hộ dân ở xung quanh đang phải khốn khổ với mùi hôi và những độc hại do nguồn thuốc trừ sâu gây nên. Theo bà P.T.L. ở thôn Trung Định (xã Nhơn An) cho biết: Gần một tháng qua các vườn mai ở đây thi nhau phun thuốc, có chủ vườn phun loại thuốc trừ sâu không mùi còn dễ thở (không kém phần độc hại), nhưng có vườn phun loại thuốc trừ sâu đặc mùi hôi, bám dai dẳng đến 5-7 ngày sau mới tan. Việc phun thuốc trừ sâu như hiện nay của các nhà vườn đã ảnh hưởng đến cuộc sống của chính gia đình họ và các hộ dân lân cận. Còn bà Nghĩa, một người dân cũng sống ở thôn Trung Định, bức xúc: “Nhiều ngày nay da tôi bị dị ứng với loại thuốc trừ sâu gây ngứa và mẩn đỏ. Cả tháng nay con dâu tôi phải về ở nhờ nhà mẹ chứ không dám ở đây vì đang mang bầu nên sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ của hai mẹ con. Phải hít thở không khí ô nhiễm như thế này cơ thể mệt mỏi và nguy hiểm quá!”.
Khi được hỏi việc phun thuốc độc hại như vậy, các nhà vườn có lo lắng đến sức khoẻ của gia đình mình, ông Lê Văn Phú - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Nhơn An, trả lời ngay: “Vì lợi nhuận kinh tế nên họ bất chấp, cứ đến đâu hay đến đó. Hiện nay không có chế tài nên việc buộc các nhà vườn không dùng các loại thuốc độc hại là rất khó. Chúng tôi chỉ tuyên truyền cho họ biết, ai không nghe thì thôi. Để hạn chế sâu bệnh cho cây thì cần phải sử dụng thuốc trừ sâu, diệt nấm nhưng không nên quá lạm dụng, vừa tốn kém lại không tốt cho cây”.
Thiết nghĩ, để bảo vệ chính gia đình mình và mọi người chung quanh, người sản xuất kinh doanh mai xuân không nên trồng mai trong khu dân cư; mật độ trồng phải hợp lý; khi mua thuốc trừ sâu, bà con nên chọn những loại thuốc trừ sâu sinh học để hạn chế tác hại đến môi trường. Chính quyền địa phương cần có đề án quy hoạch khu sản xuất cây mai xuân hợp lý, cách ly khỏi khu dân cư.
Bài, ảnh: Văn Lưu
Việc này xảy ra rất lâu rồi chứ không phải bữa nay lên báo mới biết. Nguyên do là công tác vận động ý thức bảo vệ môi trường cho người dân làm nghề cây cảnh của chính quyền địa phương không tốt. Đây là làng nghề Truyền thống. Cần phải Xem lại?