Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tỉnh: Bước “chạy đà” trong đào tạo nghề, giới thiệu việc làm
Sau nửa năm hợp nhất từ 3 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp của Hội LHPN tỉnh, Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tỉnh đã có bước “chạy đà” tốt khi ổn định tổ chức, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.
Ổn định tổ chức
Đến thời điểm hiện tại, cơ sở vật chất Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tỉnh vẫn còn khá khó khăn khi các đề xuất thành lập xưởng thực hành phục vụ cho việc đào tạo nghề chưa được thông qua. Các thiết bị của các đơn vị cũ vẫn chưa thể chuyển về trung tâm mới phục vụ đào tạo. Đề án vị trí việc làm cũng chưa hoàn tất nên các trưởng, phó phòng cũ hiện đang làm việc ở cương vị nhân viên; các phó giám đốc Trung tâm được phân công phụ trách các bộ phận.
Công nhân may Công ty TNHH May mặc Able Việt Nam vui mừng khi nhận chứng chỉ nghề từ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tỉnh tại lễ bế giảng.
Dù vậy, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tỉnh khẩn trương “chạy” các đầu việc trong khả năng. Trước hết là chỉnh trang lại bộ mặt Trung tâm. Trung tâm đã bố trí lại không gian sân vườn bằng cách hình thành vườn cây cảnh, là nơi sinh hoạt của Chi Hội sinh vật cảnh và nơi thực nghiệm các mẫu cây cho các tiết học liên quan đến nghề chăm sóc, tạo dáng cây cảnh. Một vườn rau thủy canh, rau sạch đang được hình thành, sẽ là nơi phục vụ cho các tiết giảng của các nghề nông nghiệp. Ký túc xá cũng được củng cố để phục vụ chỗ ở miễn phí cho học viên học nghề, học viên tham gia xuất khẩu lao động và cho thuê đối với sinh viên tại các trường lân cận.
Ông Trần Hữu Hiệu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tỉnh, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục đề xuất với các đơn vị liên quan, đầu tư hệ thống nhà xưởng thực hành, từ đó xây dựng mô hình liên kết với DN, gắn đào tạo với dịch vụ, tạo việc làm cho học viên. Trước mắt, sẽ có hai mô hình liên kết đào tạo nghề được hình thành trong thời gian đến, đó là nghề cơ khí và mộc”.
Tăng tốc dạy nghề
Quý III hằng năm là thời điểm tăng tốc của công tác đào tạo nghề sơ cấp. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tỉnh đã phối hợp với các địa phương, DN mở 34 lớp nghề sơ cấp cho người lao động trong tỉnh. Trong số này có 11 lớp nghề cho lao động tại DN, 22 lớp nghề cho lao động nông thôn và 1 lớp nghề theo hướng xã hội hóa với tổng số học viên hơn 1.000 người. Đặc biệt, có 4 lớp nghề được xây dựng thành mô hình tại huyện Tuy Phước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương. Đó là 2 lớp nghề chăm sóc, tạo dáng cây cảnh tại xã Phước Quang và xã Phước Hưng; lớp trồng nấm tại xã Phước Thành; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Phước Sơn.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tỉnh, cho biết: “Các mô hình này đều xuất phát từ hiệu quả của các lớp nghề năm trước đem lại. Ví dụ, lớp trồng nấm ở xã Phước Thành năm 2018, sau học nghề, các hộ dân đều tự sản xuất, đem lại thu nhập tương đối cho gia đình, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Từ thực tiễn đó, năm nay, địa phương đã ký kết với Trung tâm tiếp tục đào tạo kỹ năng nghề, nhân rộng mô hình trồng nấm ra toàn xã”.
Các lớp đào tạo nghề tại DN nhằm chuẩn hóa lao động đã hoàn tất, bước vào giai đoạn bế giảng. Học viên tại các DN phấn khởi khi được nhận chứng chỉ nghề. Tại lễ bế giảng chiều ngày 19.9 vừa qua, anh Trần Đình Đức (33 tuổi, công nhân hàn Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Việt Mỹ Bình Định) chia sẻ: “Tôi tâm đắc với những kiến thức liên quan đến an toàn vệ sinh lao động, PCCC để đảm bảo an toàn tính mạng cho chính mình, cho đồng nghiệp. Với việc hiểu rõ hơn về những nguyên lý của kỹ năng cơ khí - hàn, tôi tự tin hơn khi làm việc, thấy mình nhanh nhạy, thao tác tốt hơn trong từng công đoạn”.
Hoạt động tạo việc làm cũng đã có những bước đi đầu tiên khi Trung tâm đã mở được 4 lớp tiếng Nhật miễn phí cho trên 40 học viên, tạo nguồn cho công tác xuất khẩu lao động. Đến thời điểm hiện tại đã có 83 lao động đậu vòng phỏng vấn của các DN Nhật Bản, trong đó có 58 lao động xuất cảnh đi làm việc theo hợp đồng.
NGUYỄN MUỘI