Tăng cường quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản
Thời gian gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý và kiểm soát chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp (VTNN) và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (NLTS), đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản, quanh vấn đề này.
Ông Hồ Phước Hoàn
* Ông có thể cho biết kết quả công tác quản lý chất lượng hàng hóa VTNN và ATVSTP trên lĩnh vực NLTS ở tỉnh ta trong thời gian qua?
+ Trong năm 2013 này, hoạt động quản lý chất lượng các mặt hàng VTNN và ATVSTP trên lĩnh vực NLTS ở tỉnh ta đã được tăng cường về nhiều mặt. Chi cục đã phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương tổ chức 18 lớp tập huấn, tọa đàm tại 11 huyện, thị xã, thành phố với 900 cán bộ, người sản xuất kinh doanh (SXKD) mặt hàng VTNN và NLTS tham gia. Chi cục còn tổ chức 1 khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở SXKD NLTS cho 50 cán bộ quản lý NLTS, các phòng, ban chức năng của các địa phương và 35 học viên là chủ các cơ sở SXKD mặt hàng thủy sản.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo Thông tư số 14 của Bộ NN-PTNT, Chỉ thị số 09 của UBND tỉnh về việc nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về chất lượng VTNN, ATVSTP NLTS trên địa bàn tỉnh cũng được Chi cục và ngành chức năng của các địa phương thực hiện bằng nhiều biện pháp cụ thể. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã kiểm tra, phân loại 2.027 cơ sở SXKD mặt hàng VTNN và sản phẩm NLTS; lấy 228 mẫu thủy sản tại các vùng nuôi tôm; mẫu thủy sản sau thu hoạch; mẫu rau tại các địa phương để kiểm tra, kiểm soát dư lượng kháng sinh cấm và các chất độc hại. Đồng thời kiểm tra các cơ sở thu mua thủy sản (chủ yếu thu mua tôm), SXKD thủy sản, thuốc thú y, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm… Qua đó đã từng bước nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng NLTS tại các địa phương, hoạt động SXKD của người dân cũng hiệu quả hơn.
* Còn những hạn chế trên lĩnh vực này, thưa ông?
+ Nhìn chung, công tác quản lý chất lượng VTNN, ATVSTP các mặt hàng NLTS ở tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song, khách quan nhìn nhận, lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Thực tế cho thấy, nhiều chủ cơ sở SXKD các mặt hàng NLTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn xem trọng phát triển số lượng hơn là chất lượng sản phẩm. Việc áp dụng các quy phạm thực hành nông nghiệp tốt (GAP, GAHP), thực hành sản xuất tốt (GMP), phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) nhằm bảo đảm ATVSTP trong toàn bộ quá trình sản xuất còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, hoạt động kiểm tra, giám sát việc sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, kháng sinh cấm, tạp chất trong tôm nguyên liệu và phương pháp sơ chế, bảo quản sản phẩm NLTS thực phẩm… chưa được các địa phương quan tâm đúng mức.
Qua các đợt kiểm tra, Chi cục đã phát hiện, lập biên bản và xử phạt 1 cơ sở thu mua thủy sản bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu, 1 cơ sở SXKD thủy sản chưa duy trì điều kiện đảm bảo ATVSTP theo quy định, 7 cơ sở kinh doanh thuốc thú y hết hạn sử dụng, 6 đối tượng vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ; 14 cơ sở sử dụng thịt heo không có dấu kiểm dịch để chế biến thực phẩm… Điều đó chứng tỏ hoạt động quản lý chất lượng và hoạt động SXKD các mặt hàng VTNN và vấn đề ATVSTP ở tỉnh ta vẫn còn hạn chế cần phải khắc phục.
* Theo ông, tỉnh ta cần phải làm gì để công tác quản lý chất lượng mặt hàng VTNN và vấn đề ATVSTP đạt hiệu quả cao hơn?
+ Để công tác quản lý chất lượng các mặt hàng NLTS và ATVSTP đạt hiệu quả, Chi cục sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở NN-PTNT, UBND tỉnh xây dựng các văn bản, cơ chế chính sách, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này một cách cụ thể, đúng pháp luật. Tổ chức hoàn thiện hệ thống bộ máy quản lý, thanh tra, kiểm tra từ tỉnh đến xã; xây dựng đề án điều chỉnh hệ thống tổ chức một cách hợp lý nhằm triển khai đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ do ngành Nông nghiệp giao. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, ATVSTP trong lĩnh vực NLTS; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, Chi cục sẽ tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong quá trình quản lý, kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về ATVSTP cho người SXKD, người tiêu dùng và mọi tầng lớp nhân dân. Hướng dẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; sản xuất, chế biến các sản phẩm đảm bảo ATVSTP…
Các đơn vị SXKD mặt hàng nông sản, thực phẩm cũng cần thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các pháp lệnh về giống cây trồng, vật nuôi, Pháp lệnh Thú y… nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa nông sản, thực phẩm đảm bảo VSATTP trước khi đưa ra thị trường.
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)