Bảo vệ, điều tiết các công trình thủy lợi lớn trong mùa mưa: Ðảm bảo an toàn, đúng quy định
Bên cạnh việc sửa chữa các hạng mục, công trình, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Ðịnh đã chủ động xây dựng, cụ thể hóa phương án quản lý, vận hành, điều tiết nước tại các hồ chứa lớn trong mùa mưa lũ.
Công tác quản lý, bảo vệ, điều tiết nước từ các công trình thủy lợi (CTTL) trong mùa mưa lũ nhằm đảm bảo an toàn hồ đập, phục vụ sản xuất nông nghiệp và hạn chế thiệt hại cho vùng hạ du là việc làm quan trọng. Nhận thức được điều đó, từ tháng 7.2019, Công ty Khai thác CTTL Bình Định đã kiểm tra, sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng, đồng thời triển khai phương án bảo vệ các CTTL do Công ty quản lý.
Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định tu sửa nhiều điểm trên hệ thống kênh tưới Văn Phong tại huyện Tây Sơn bị mưa lũ năm trước làm sạt lở, hư hỏng.
Về Hoài Nhơn những ngày này, có mặt tại đập dâng Lại Giang (ở thị trấn Bồng Sơn), hồ Cẩn Hậu (ở xã Hoài Sơn), chúng tôi thấy cán bộ, công nhân Xí nghiệp Khai thác CTTL 1 (Công ty Khai thác CTTL Bình Định), Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh đang nỗ lực chỉ đạo, khẩn trương thi công nhiều hạng mục bị hư hỏng do mưa lũ năm ngoái. Ông Lê Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp, cho hay: “Chúng tôi đã cơ bản hoàn thành việc sửa chữa hệ thống tời, máy đóng mở đập dâng Lại Giang; đầu tư mua thêm một máy phát điện dự phòng khi mưa lũ gây mất điện thì vẫn có thể vận hành hệ thống. Đơn vị cũng sửa chữa xong hệ thống điện trước trạm biến áp của hồ chứa nước Vạn Hội (ở xã Ân Tín, huyện Hoài Ân), đảm bảo vận hành, điều tiết thông suốt trong mọi điều kiện thời tiết”.
Các xí nghiệp thủy lợi thuộc Công ty Khai thác CTTL Bình Định được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý các hồ chứa: Định Bình (Vĩnh Thạnh), Thuận Ninh (Tây Sơn), Vạn Hội (Hoài Ân) và đập dâng Văn Phong (Tây Sơn) cũng đã hoàn tất việc rà soát, sửa chữa các thiết bị, máy móc đảm bảo phục vụ công tác quản lý, vận hành công trình trong mùa mưa lũ.
Đặc biệt tại hồ Định Bình - hồ chứa có dung tích lớn nhất tỉnh - đơn vị quản lý đã lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống camera giám sát 12 cửa tràn và 4 trạm đo mưa tự động. Ông Lê Văn Quế, Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Định Bình, chia sẻ: Các trang thiết bị hiện đại giúp chúng tôi thực hiện tốt, chính xác hơn nhiệm vụ bảo vệ công trình. Hơn nữa, nhờ đó việc kiểm tra, giám sát lượng mưa, lượng nước đến.. cũng thuận lợi hơn. Các thông số thu thập được rất quan trọng vì là cơ sở để chúng tôi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo điều tiết nước trong từng thời điểm cụ thể, sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Chúng tôi đã tổ chức túc trực 24/24 giờ tại công trình để quan trắc, vận hành và thực hiện báo cáo tất cả các yếu tố liên quan đến hồ Định Bình cho cấp trên xem xét, chỉ đạo đúng theo quy định.
Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Ðịnh được UBND tỉnh, Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ quản lý, khai thác, bảo vệ an toàn 15 hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh với tổng dung tích gần 458 triệu m3 nước; 24 đập dâng lớn trên sông Côn, Hà Thanh, La Tinh, Lại Giang; trên 1.080 km kênh mương và hơn 3.000 công trình trên kênh, phục vụ tưới tiêu cho trên 60.000 ha lúa và hoa màu mỗi năm.
Theo Công ty Khai thác CTTL Bình Định, đến nay có 46 hạng mục, công trình thuộc hệ thống thủy lợi do Công ty quản lý hư hỏng trong mùa mưa lũ năm ngoái đã được sửa chữa, nâng cấp. Công ty cũng đã đầu tư thêm 3 máy phát điện dự phòng cho các hồ chứa nước lớn, chuẩn bị đầy đủ vật tư, vật liệu tại các công trình đảm bảo có thể xử lý ngay những sự cố ban đầu. Bên cạnh đó, đơn vị cũng lên phương án ứng phó các diễn biến của thiên tai cho các công trình lớn, quan trọng.
Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án ứng phó thiên tai các hồ: Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh, Hội Sơn, Vạn Hội và đập dâng Văn Phong. Phương án được duyệt cũng quy định rất cụ thể về công tác vận hành, điều tiết và trách nhiệm của từng thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các hồ chứa nói trên. Cùng với đó, Công ty Khai thác CTTL Bình Định cũng phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng các phương án ứng phó khẩn cấp cho 9 công trình hồ chứa do đơn vị quản lý thuộc địa bàn các huyện.
“Trong các phương án thể hiện rất rõ danh sách, số điện thoại di động của lãnh đạo và lực lượng xung kích của các xã, lực lượng tại chỗ của các xí nghiệp trực thuộc Công ty; danh sách chủ phương tiện và phương tiện phục vụ công tác PCTT&TKCN. Chúng tôi xây dựng nhiều kịch bản và phương án xử lý tình huống; quy định cụ thể về thông tin các trường hợp khẩn cấp; chuẩn bị vật tư, vật liệu, phương tiện, máy móc tại chỗ để ứng cứu; huy động lực lượng tại chỗ và chỉ huy tại chỗ; di dời kịp thời người dân trong vùng bị ảnh hưởng… ”, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty Khai thác CTTL Bình Định, cho biết.
PHẠM TIẾN SỸ