Ðừng chủ quan với viêm xoang
Viêm xoang có thể hành hạ bạn quanh năm, nhưng khiến bạn mệt mỏi nhất là khi giao mùa. Bác sĩ Nguyễn Thành Long - Trưởng khoa Tai mũi họng, BVĐK tỉnh - cho biết: Viêm xoang có 2 dạng phổ biến là viêm xoang cấp và viêm xoang mạn tính. Viêm xoang cấp có triệu chứng: Sốt, môi khô, lưỡi bẩn, đau nhức vùng sọ mặt tương ứng với xoang bị viêm như mặt trước má, trán, vùng sau gáy, ngạt tắc mũi tăng dần, chảy nước mũi đục rồi chuyển thành vàng xanh, khả năng ngửi suy giảm. Viêm xoang mạn tính là do viêm xoang cấp tính tái diễn nhiều lần không được điều trị triệt để, triệu chứng là: Chảy mũi một hoặc hai bên, dịch mũi ngày một đặc hơn, có màu vàng xanh, mùi hôi, ngạt tắc mũi tăng dần tới ngạt mũi hoàn toàn, ngửi kém từng lúc hoặc mất ngửi, đau đầu. Khi có những dấu hiệu trên, tốt nhất là nên được khám bởi bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán, chỉ định điều trị phù hợp với thể trạng và tình trạng bệnh.
Để phòng bệnh viêm xoang cần rửa tay thường xuyên vì vi rút có thể sống lâu hơn ở các bề mặt mà bạn có nhiều khả năng sờ tay vào như tay nắm cửa, đồ dùng... Chích ngừa cúm hàng năm nhằm ngăn ngừa viêm xoang mũi. Có chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn giữ sức khỏe tốt sẽ giúp bảo vệ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh, nhờ đó giảm nguy cơ bị các bệnh hô hấp, bao gồm cả nhiễm trùng xoang. Nên bỏ thuốc lá để bảo vệ hệ hô hấp và xoang mũi, ngay cả khi không hút thuốc thì cũng nên tránh hít phải khói thuốc thụ động. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi, cần mặc ấm, nhất là vùng cổ, ngực, mũi. Vệ sinh họng, miệng hàng ngày, nếu giữ được họng, miệng không bị viêm thì hạn chế rất nhiều đến việc bị viêm xoang.
THU PHƯƠNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)