Tín dụng chính sách: Công cụ hữu hiệu giúp giảm nghèo bền vững
Hôm nay (23.9) diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững”. Ðây là chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH, tạo xung lực cho giảm nghèo bền vững. Thực tiễn thực hiện tín dụng chính sách ở Bình Ðịnh trong các năm qua là một minh chứng thuyết phục.
Tại Bình Định, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai hiệu quả các giải pháp giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn, các chương trình tín dụng chính sách. Qua đó, góp phần tạo điều kiện, hỗ trợ hàng nghìn lượt người nghèo và đối tượng chính sách có nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững.
Hơn 129 nghìn hộ được vay vốn
Từ năm 2016 đến tháng 8.2019, cùng với nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương ủy thác, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách cho hơn 129 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, hoạt động tín dụng CSXH.
Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tuy Phước làm việc với khách hàng.
Qua đó, giúp gần 25.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Hơn 13.000 hộ gia đình có điều kiện mua sắm máy móc, công cụ phục vụ sản xuất kinh doanh, đánh bắt, chế biến hải sản và mở rộng cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Hơn 1.000 lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài. Gần 10.000 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập. Hơn 58.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn và gần 2.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách được xây dựng từ nguồn vốn này. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 13,35% (năm 2016) xuống còn 7,01% (năm 2018), hộ cận nghèo giảm từ 6,81% xuống còn 6,11%. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến ngày 31.8.2019 đạt 3.730 tỷ đồng, tăng 1.211 tỷ đồng so cuối năm 2015, với trên 92.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Bình quân dư nợ đạt 40,5 triệu đồng/hộ, tăng 13,5 triệu đồng so năm 2015.
Cùng với việc tập trung thực hiện tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch được giao, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng CSXH đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ông Nguyễn Thúc Diệu, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết: “Chúng tôi coi việc tăng cường nguồn vốn, nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân là nhiệm vụ hàng đầu, nhất là ở các xã đang xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, chúng tôi phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng CSXH với hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm hướng đến mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Ngân hàng còn phối hợp hiệu quả trong các hoạt động khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân sản xuất hiệu quả nhất”.
Thoát nghèo bền vững
Ở các huyện miền núi, niềm vui thoát nghèo cũng đến với nhiều hộ dân khi được tiếp cận nguồn vốn tín dụng CSXH. Vĩnh Thạnh là một trong 3 huyện miền núi của tỉnh có doanh số cho vay khá lớn; doanh số cho vay sau 4 năm đạt 360 tỷ đồng, với 10.773 lượt khách hàng vay vốn. Trong khi đó, huyện Vân Canh có doanh số cho vay đạt 318,6 tỷ đồng, với 10.387 lượt khách hàng. Tương tự, huyện An Lão có doanh số cho vay đạt 246,971 tỷ đồng, với 6.538 lượt khách hàng. Điều đáng mừng, cả 3 huyện nghèo đều không có nợ xấu trong nhiều năm. Nhờ vào tín dụng CSXH, cùng với các chính sách hỗ trợ, đời sống vật chất, tinh thần người dân đã được cải thiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên 5%.
Vay 50 triệu đồng vào năm 2014, khi còn đang là hộ nghèo, bà Đinh Thị Huya (45 tuổi, ở thôn Thạnh Quang, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) đầu tư mua 2 con bò sinh sản. Năm 2015, bà vay thêm 8 triệu đồng để trồng 2 ha cây điều. Đến năm 2016, hộ của bà đã trả hết nợ vay và tiếp tục vay thêm 40 triệu đồng để mở rộng diện tích cây điều, trồng thêm 1.000 gốc chanh và nuôi thêm heo, gà. Sau thời gian cần mẫn chăn nuôi, trồng trọt, mỗi năm vợ chồng bà thu lãi khoảng 100 triệu đồng.
Hay bà Nguyễn Thị Quyến (52 tuổi, ở thôn An Hội Bắc, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn) có chung niềm vui thoát nghèo như hộ bà Huya. Bà Quyến kể: “Năm 2015, tôi vay 30 triệu đồng mua 2 con bò sinh sản nuôi, đến năm 2018 đàn bò tăng lên 4 con. Sau khi trả xong tiền vay 30 triệu đồng, tôi mạnh dạn vay tiếp 30 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi bò sinh sản và trồng 2,5 ha cây keo. Chính nhờ vào khoản vay hỗ trợ này, tôi có thêm điều kiện phát triển kinh tế, chăm lo cho 2 đứa con ăn học đến nơi đến chốn và có công việc ổn định”.
Tại huyện Phù Mỹ, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện có trên 6.100 hộ thoát nghèo; hiện còn khoảng 2.800 hộ nghèo, chiếm 5,99%. Ông Võ Đình Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, khẳng định: “Nguồn vốn vay tín dụng CSXH đã tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống, góp phần ổn định tình hình KT-XH tại địa phương, hạn chế tình trạng vay nặng lãi, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Với nguồn vốn vay này, trong thời gian tới sẽ giúp nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện thoát nghèo bền vững”.
NGUYỄN MUỘI