Niềm vui từ những chiếc áo phao
Ngày 22.9, học sinh 3 huyện miền núi và ngư dân huyện Hoài Nhơn phấn khởi với những món quà ý nghĩa ngay trước mùa bão lũ từ sự chung tay của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, các nhà tài trợ và các cơ quan liên quan.
Sáng 22.9, tại UBND huyện Vân Canh, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh cùng Sở GD&ĐT, Quỹ Tâm Nguyện Việt TP Hồ Chí Minh trao 400 phao bơi cho học sinh 3 huyện miền núi: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão. Chiều cùng ngày, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh cùng Sở NN&PTNT, UBND huyện Hoài Nhơn, Quỹ Tâm Nguyện Việt TP Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Bao bì giấy Việt Trung tổ chức trao 100 bộ áo phao đa năng cho 20 chủ tàu đánh bắt xa bờ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã đến dự sự kiện này.
Hỗ trợ học sinh miền núi
Phát biểu tại lễ trao 400 phao bơi cho học sinh, ông Phan Văn Chấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vân Canh, chia sẻ: “Huyện miền núi là địa bàn phức tạp, sông suối nhiều, lũ xuống đột ngột, nguy cơ đuối nước cao. Phao bơi được trang bị lần này sẽ đồng hành cùng học trò trong mùa mưa, bảo vệ tính mạng, giúp gia đình và nhà trường yên tâm hơn”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu trao bộ áo phao cứu sinh đa năng cho các chủ tàu đánh bắt xa bờ huyện Hoài Nhơn.
Phao bơi cứu sinh là sản phẩm do Quỹ Tâm Nguyện Việt TP Hồ Chí Minh cùng Hiệp hội nhựa Việt Nam sáng chế. Sản phẩm có nhiều ưu điểm như: Gọn nhẹ, dễ mang theo, dễ vệ sinh và bảo quản, thời hạn sử dụng lâu. Học sinh cũng có thể sử dụng sản phẩm để tập bơi. Đến nay, nhà sản xuất đã “cho ra lò” 4.300 sản phẩm và được Quỹ gửi đi 20 tỉnh thành trong cả nước, trong đó, Bình Định được nhận 400 phao.
Bà Hồ Thị Mộng Thu, Phó Giám đốc Quỹ Tâm Nguyện Việt TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Vấn đề giảm thiểu đuối nước ở các địa phương vùng sâu vùng xa là điều Quỹ rất quan tâm. Với những ưu điểm trên, phao bơi đa năng sẽ là món quà ý nghĩa cho các em nhỏ. Phao có khả năng nâng đến 50 kg nên đủ sức nâng đỡ các em cùng với cặp sách, đồ dùng học tập trong nước lớn. Chúng tôi mong muốn, các em học sinh và thầy cô giáo tham gia góp ý cho sản phẩm để tác giả tiếp tục hoàn thiện, nâng cao sản phẩm hơn nữa”.
Phao cứu sinh đa năng
Tính đến thời điểm hiện tại, Bình Định là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa 100 bộ áo phao cứu sinh đa năng của tác giả Võ Văn Hoàng Minh, Trưởng Ban từ thiện Hiệp hội nhựa Việt Nam, vào thực tiễn. Đây là niềm vui lớn không chỉ của ngư dân Bình Định mà còn là niềm hạnh phúc của những người đã đồng hành với sản phẩm từ lúc còn “thai nghén” cho đến khi thành hình và tìm kiếm nhà tài trợ. Tổng trị giá của 100 bộ áo phao là 132 triệu đồng. Quỹ Tâm Nguyện Việt TP Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Bao bì giấy Việt Trung đồng tài trợ (mỗi đơn vị 50% số tiền).
Tác giả Võ Văn Hoàng Minh hướng dẫn ngư dân mặc bộ áo phao đa năng.
Đến nhận áo phao giúp con trai là chủ tàu, bà Trần Thị Khá (65 tuổi, ở thôn Thiện Chánh 2, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn), tâm sự: “Nhà tôi có 2 đứa con trai là chủ tàu đánh bắt xa bờ; cháu nội, cháu ngoại đều đi biển. Mỗi lần nghe mưa gió, người nhà chúng tôi sợ lắm. Trước giờ, người nào rơi xuống biển là coi như hết hy vọng. Nay, nghe thông tin bộ áo phao này có thể nằm trên biển, không sợ đói, khát, cá dữ tấn công... được vài ngày, chờ người tới cứu, tôi thấy yên tâm nhiều”.
Trực tiếp trải nghiệm bộ áo phao đa năng, ngâm mình, thao tác ăn uống trên biển, anh Trần Tiến Thành (43 tuổi, ở thôn Tân Thành 1, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn), cho biết: “Mới mặc, bộ áo phao hơi nặng, cồng kềnh, nóng so với thời tiết hiện tại. Nhưng khi xuống nước, nó rất thoải mái, dễ dàng thả nổi. Trong lúc thả nổi, cũng có thể ăn, uống dễ dàng. Tôi có 3 tàu, mỗi tàu có 5 ngư dân. Tôi định sẽ chia đều cho các tàu 5 áo phao vừa được tặng. Khi trời mưa gió, thuyền viên sẽ mặc lớp áo quần đầu tiên để làm việc. Nếu có sóng dữ, tàu thuyền có nguy cơ bị hỏng, đánh chìm... thì tiếp tục mặc áo phao, các lớp mũ, giày, tất, bao tay tiếp theo”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đánh giá cao sự hỗ trợ của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh và hai nhà tài trợ để ngư dân được trang bị bộ áo phao đa năng, góp phần đảm bảo tính mạng trên biển. Ông nhấn mạnh: “Các chủ thuyền nên trang bị bộ áo phao này để phòng khi tai nạn xảy ra trên biển. Có rất nhiều người vì tiếc tiền mà bỏ qua các sản phẩm đảm bảo an toàn, đến khi xảy ra chuyện bất trắc mới đau buồn, nuối tiếc. Nghề cá hôm nay phải bền vững, bắt đầu từ việc đảm bảo an toàn tính mạng cho ngư dân thông qua sản phẩm phao cứu sinh. Dịp này, tôi cũng đề xuất một vài ý kiến để tác giả hoàn thiện hơn nữa bộ áo phao. Đó là cần tiếp tục nghiên cứu giảm giá thành sản phẩm; thiết kế làm sao cho ngư dân có thể mặc bộ áo phao một cách nhanh hơn nữa; gọn gàng hơn để tiết kiệm diện tích trên tàu thuyền...”.
NGUYỄN MUỘI