Ðề án 1816: Ðòn bẩy chất lượng khám chữa bệnh
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh viện tuyến dưới, giảm tải tuyến trên, lợi cho bệnh nhân… là hiệu quả “kép” của Ðề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (Ðề án 1816).
Ca phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa cấp cho bệnh nhân Lê Duy Cường tại TTYT TX An Nhơn.
Tối 17.9, bệnh nhân Lê Duy Cường (SN 1981, xã Nhơn Hậu, An Nhơn) nhập viện TTYT TX An Nhơn cấp cứu do viêm ruột thừa cấp vỡ mủ rất nguy hiểm. Ca phẫu thuật nội soi kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ do bác sĩ Võ Thanh Du (khoa Ngoại) cùng ê kíp thực hiện đã kịp thời cứu sống bệnh nhân. Tối đó, còn có 2 ca viêm ruột thừa cấp cũng được mổ nội soi là bệnh nhân Nguyễn Thị Khen và Võ Thị Kiều Dung (cùng ở An Nhơn). Đây chỉ là ví dụ điển hình cho sức tác động của Đề án 1816.
Làm chủ nhiều kỹ thuật tiên tiến
Những ca mổ nội soi cấp cứu đã thành thường quy tại TTYT TX An Nhơn từ năm 2016, sau khi được các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp, BVĐK tỉnh chuyển giao kỹ thuật. “Khác với mổ hở, bệnh nhân mổ nội soi chỉ mất chừng 4 - 5 ngày là đã có thể xuất viện, vết mổ không đau nhiều, độ an toàn cao. Chúng tôi cũng đang đề nghị BVĐK tỉnh hỗ trợ mổ nội soi cắt túi mật toàn bộ, u xơ tuyến tiền liệt”, bác sĩ Võ Thanh Du chia sẻ.
Tuyến dưới có “hít” thì chuyển giao mới thành công
Trong lần về Bình Ðịnh chuyển giao phẫu thuật ung thư đầu cổ cho BVÐK tỉnh năm 2019, bác sĩ Nguyễn Bá Trung - Trưởng khoa Ðiều trị Tổng hợp (Bệnh viện Ung bướu) cho hay, nơi nào “hít” với cái mới thì chuyển giao kỹ thuật mới thành công. Việc chuyển giao kỹ thuật cũng phải chuyên sâu, tránh nửa vời khiến tuyến trên vẫn quá tải mà tuyến dưới không thay đổi đột phá được; đồng thời phối hợp với đào tạo, “cầm tay chỉ việc” để tăng tính hiệu quả, bền vững cho bệnh viện nhận chuyển giao.
“Ngoại khoa và Sản khoa là hai lĩnh vực định hình chất lượng bệnh viện tuyến huyện. Chúng tôi triển khai thành công nhiều kỹ thuật được BVĐK tỉnh chuyển giao. Trong đó, con số 393 ca mổ nội soi ruột thừa từ 2016 đến nay khẳng định hướng phát triển mũi nhọn của bệnh viện”, Giám đốc TTYT TX An Nhơn Lê Thái Bình nói.
Một số bệnh viện huyện đã thực hiện tốt nhiều kỹ thuật BVĐK tỉnh chuyển giao. BVĐK tỉnh cho biết, từ năm 2009 đến nay, đã có 313 lượt bác sĩ về địa phương chuyển giao 43 lượt kỹ thuật cho 34 lượt bệnh viện. Đặc biệt, việc tự chủ kỹ thuật chuyên khoa hệ Ngoại, Sản giúp nhiều bệnh viện giải quyết tốt ca bệnh nặng, đe dọa tính mạng bệnh nhân mà không thể chuyển viện. “Năm 2019, BVĐK tỉnh hỗ trợ chúng tôi thiết lập kênh chuyển viện kịp thời cứu sống bệnh nhân đột quỵ trong “4 giờ vàng””, Giám đốc TTYT huyện Phù Cát Võ Văn Chí cho hay.
Không chỉ đi chuyển giao, BVĐK tỉnh cũng nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật của bệnh viện Trung ương. Hiện, bệnh viện đang xúc tiến hồ sơ đề nghị Bộ Y tế công nhận có thể triển khai độc lập kỹ thuật thụ tinh nhân tạo do Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) chuyển giao. Bệnh viện còn tiếp nhận và triển khai hiệu quả nhiều kỹ thuật: Can thiệp mạch; điều trị rối loạn nhịp bằng sóng radio; phẫu thuật mạch máu ngoại vi, mạch vành; nội soi khớp; ung thư đầu cổ, sản phụ khoa… từ Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Ung bướu (TP Hồ Chí Minh)… “Đây là những “cơ hội vàng” để bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) cho bệnh nhân trong tỉnh và các tỉnh lân cận”, Giám đốc BVĐK tỉnh Hồ Việt Mỹ cho hay.
Với chuyển giao Bệnh viện Từ Dũ, kỹ thuật viên BVĐK tỉnh có thể thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo.
Đưa cái “có” đến nơi “cần”
Đề án 1816 là đòn bẩy để các bệnh viện ở tỉnh ta nâng cao chất lượng KCB, đưa kỹ thuật mới vào điều trị. Tuy nhiên, sự thiếu đồng bộ giữa kỹ thuật hiện đại được chuyển giao và cơ sở vật chất lạc hậu của y tế cơ sở khiến bác sĩ dù nắm được kỹ thuật nhưng không đủ điều kiện thực hành. “Khảo sát nhu cầu chuyên môn kỹ thuật “cần” của bệnh viện tuyến dưới và thực tế “có”, BVĐK tỉnh chuyển giao những kỹ thuật tuyến dưới cần để phát huy tối đa hiệu quả KCB. Tuy vậy, công tác chuyển giao gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là thiếu nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị”, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến BVĐK tỉnh Nguyễn Quốc Tính phân tích.
Ngay năm 2018, dù đã lên kế hoạch, BVĐK tỉnh vẫn không thể chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi cắt túi mật, thoát vị bẹn cho TTYT huyện Tây Sơn; phẫu thuật cắt tử cung đường âm đạo cho TTYT huyện Hoài Nhơn; điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch trong nhồi máu não cấp cho TTYT TP Quy Nhơn; nội soi cắt ruột thừa cho TTYT huyện Phù Cát… “3 bác sĩ của khoa Ngoại thì 1 bác sĩ về hưu, 1 làm gây mê, nên chưa có nhân lực tiếp nhận đào tạo, nhận chuyển giao kỹ thuật”, bác sĩ Võ Văn Chí cho biết.
Ngay BVĐK tỉnh cũng thiếu bác sĩ nên chưa đáp ứng được hết việc cử đi đào tạo chuyên sâu, chuyển giao kỹ thuật gặp khó khăn nhất định. Bệnh viện linh hoạt hỗ trợ, luân phiên bác sĩ về “cầm tay chỉ việc” cho bác sĩ tuyến dưới, ngoài ra còn mở cho chuyển giao kỹ thuật, đào tạo từ xa.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho hay, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới theo Đề án 1816 là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, giúp các bệnh viện tuyến dưới làm chủ nhiều thủ thuật, phẫu thuật cơ bản và chuyên sâu, giải quyết kịp thời nhu cầu KCB của người dân, giảm tải tuyến trên. Hiện nay, Đề án 1816 phấn đấu mục tiêu nâng cao chất lượng KCB; giảm ngày điều trị trung bình một cách hợp lý; tăng cường dịch vụ kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị, từng bước đổi mới, hiện đại hóa công tác KCB.
MAI HOÀNG