Khi Đề án 52 về quê biển
Đến cuối năm 2012, tỉ suất sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 của 6 xã vùng biển huyện Hoài Nhơn giảm còn 12,19%o và 19,16%. Dù chưa tiệm cận mức bình quân chung của toàn huyện, nhưng kết quả đó cho thấy sự chuyển biến đáng kể về nhận thức của ngư dân trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).
Hoài Nhơn là 1 trong 5 huyện, thành phố trong tỉnh (Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Quy Nhơn) được triển khai Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển (gọi tắt là Đề án 52) vào tháng 12.2009. 6 xã ven biển của huyện được hưởng lợi từ Đề án này là Hoài Hải, Hoài Hương, Hoài Mỹ, Tam Quan Bắc và Tam Quan Nam.
“Không nhất thiết phải có con trai”
Theo chân bà Dương Thị Lài, cộng tác viên dân số của thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc, tôi đến thăm một số hộ dân ở khu vực cảng cá Tam Quan Bắc. Thời điểm này, nhiều thuyền đang nghỉ ngơi sau chuyến ra khơi. Các cộng tác viên dân số tranh thủ “tiếp thị” về các biện pháp tránh thai, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ…
Theo bà Lài, do sống chủ yếu bằng nghề đi biển vốn nặng nhọc, nhiều rủi ro, nên người dân vùng biển quan niệm phải có nhiều con trai. Nhưng quan niệm đó đã dần được xóa bỏ. Gia đình anh Đào Duy Ai, 42 tuổi, ở thôn Tân Thành 2, có 2 con trai đang học lớp 6 và lớp 3. Khi được hỏi có ý định sinh thêm không, anh Ai vội lắc đầu: “Cuộc sống cũng không dư dả, phải lo chuyện học hành, nuôi dạy con cái thôi!”.
Còn gia đình anh Nguyễn Ca và chị Nguyễn Thị Lan ở cùng thôn có 2 con gái đang học lớp 2 và mẫu giáo cũng khẳng định sẽ không sinh thêm. Anh Ca nói: “Ông bà mình ngày xưa đông con nên khổ lắm. Giờ, tui nghĩ không nhất thiết phải có con trai đâu. Quan trọng là mình lo cho con đầy đủ, học hành tới nơi tới chốn”.
Là nhân viên y tế thôn Tân Thành 2, đã gắn bó với ngành khá lâu, bà Lài bảo làm công tác dân số, lo lắng nhất là các cặp vợ chồng đã sinh 2 con một bề. “Đó là những đối tượng mà cộng tác viên dân số như tôi đặc biệt quan tâm, vì họ rất dễ sinh thêm để “cải thiện”. Nay thì nhiều gia đình đã hiểu lợi ích của việc sinh ít con để có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Cả thôn có hơn 2.000 nhân khẩu, đến cuối năm ngoái chỉ còn 3 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, giảm đáng kể so với trước”, bà Lài tâm sự.
Tam Quan Bắc có 10 thôn, với trên 19.000 dân. Ở các vùng biển, nhận thức của người dân về công tác DS-KHHGĐ còn nhiều hạn chế. “Nhờ Đề án 52, hoạt động truyền thông, vận động được đưa về tận thôn, xóm, đến từng hộ gia đình, phần nào thay đổi nhận thức và hành vi của người dân. Đây cũng là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng biển”, y sĩ Lưu Thị Bích Trâm, Trưởng Trạm y tế xã Tam Quan Bắc, khẳng định.
Tuyên truyền trên bến, dưới thuyền
“Sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện Đề án 52 của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, đặc biệt là nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ đã giúp Hoài Nhơn từng bước kiểm soát quy mô dân số, qua đó người dân vùng ven biển có điều kiện cải thiện chất lượng cuộc sống”.
Ông HOÀNG MINH GIỚI, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn
Các hoạt động thăm khám, điều trị bệnh phụ khoa, tư vấn, thực hiện các kỹ thuật tránh thai, các xét nghiệm soi tươi; “tiếp thị” tư vấn sức khỏe sinh sản tại nhà, trên bến, dưới thuyền… trong khuôn khổ Đề án 52 đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ. Hằng năm, có khoảng 800 phụ nữ mang thai ở vùng biển, đầm phá, nguy cơ ô nhiễm cao được khám, theo dõi, quản lý thai sản; 3.000-4.000 phụ nữ được chăm sóc SKSS-KHHGĐ trong các đợt chiến dịch. Theo bà Lê Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hoài Nhơn, kết quả đạt được là nhờ vào công tác truyền thông đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc thù địa phương.
Bà Vân cho biết: “Một mặt, cộng tác viên dân số tiếp cận tuyên truyền kiến thức cho người vợ và gia đình ở địa phương. Trung tâm DS-KHHGĐ còn phối hợp Trung tâm VH-TT&TT huyện tổ chức tuyên truyền lưu động, cung cấp tài liệu và cấp miễn phí bao cao su tại các cảng cá, bến thuyền, trên tàu ngư dân các xã Tam Quan Bắc, Hoài Hương, Hoài Hải”.
Việc “tiếp thị” cả bến lẫn thuyền như thế góp phần bảo vệ sức khỏe, giữ gìn hạnh phúc gia đình cho nhiều gia đình theo nghề biển. Chị N.T.L, ở thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc, chia sẻ: “Sinh con được 2 tháng là tui sử dụng biện pháp tránh thai liền. Nhưng, chồng đi biển đằng đẵng, nhờ có biện pháp “bảo vệ”, nên cũng yên tâm hơn”.
Ngoài hình thức tuyên truyền với các nhóm nhỏ; sinh hoạt lồng ghép qua các câu lạc bộ, tổ phụ nữ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; cộng tác viên dân số còn đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà vận động, phân tích cho từng đối tượng, theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Đặc biệt, từ năm 2010, Hoài Nhơn tổ chức các chương trình văn nghệ tuyên truyền về DS-KHHGĐ tại các xã vùng biển với nhiều hình thức phong phú, như bài hát về dân số, tiểu phẩm dài 30 phút bằng làn điệu bài chòi... Những buổi văn nghệ như thế thu hút rất đông người dân tham gia, vừa vui văn nghệ vừa hiểu được những thông điệp liên quan đến DS-KHHGĐ.
MAI HOÀNG