Ngưỡng vọng về đất nước và tiền nhân
Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa cho ra mắt tập thơ “Ngưỡng Vọng” của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn. Tập thơ là những sự ngưỡng vọng chân thành đối với đất nước, tổ tiên, các bậc tiền nhân và anh hùng, chí sĩ, văn nhân... Đây là tập thơ thứ 10 của Nguyễn Lâm Cẩn.
Nguyễn Lâm Cẩn tự hào bày ra niềm ngưỡng vọng với Tổ quốc, quê hương: “Tổ quốc tôi/ Là giấc mơ nuôi trẻ thơ thành ông nghè, ông trạng.../ Thảo bút từng trang sử viết thành kinh/ Các triều đại đi qua/ Bờ cõi mở mang đất nước định hình” (Tổ quốc tôi). Hay: “Không ở đâu như đất nước tôi/ Lọt lòng mẹ đã đi đánh giặc/ Đầu trần/ Chân đất/ Gậy tre/ Roi sắt/ Lớn lên từ cà mặn, tương ôi!” (Đất nước tôi)...
Tự hào về đất nước, dân tộc còn cụ thể qua niềm kính ngưỡng những bậc anh hùng, chí sĩ, văn nhân, như: Nguyễn Huệ - Quang Trung, Chu Văn An, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Bội Châu, Tản Đà... Hãy đọc một đoạn anh viết về đại thi hào Nguyễn Du: “Mấy trăm năm nghĩ mà thương/ Tố Như nhắm mắt còn vương bụi trần/ Lệ sầu tưới khắp muôn dân/Câu Kiều rút ruột ngàn lần tái tê” (Với cụ Tố Như). Với thầy Chu Văn An: “Xưa nay danh lợi giăng như lưới/ “Thất sớ” người tâu đảo cõi trần/ Đối mặt gian thần thay áo cưới/ Lịch sử tím bầm buổi loạn luân” (Trước mộ Chu Văn An)...
Tất nhiên tác giả cũng dành một góc cho riêng mình để ghi tác công ơn ông bà, tổ tiên và đấng sinh thành. Hãy nghe tâm sự của Nguyễn Lâm Cẩn với thân phụ: “Con lại về quê thăm mộ Cha/ Trời xứ Nghệ nắng sôi trong lá/ Đồi Cha nằm gốc sim cằn cỗi quá/ Bám thời gian trên đá cố trồi lên/ Cha ơi giấc ngủ có yên/ Nắm đất bạc vẫn nở đều bông tím/ Thương đất nghèo quả xanh rồi quả chín/ Mảnh áo cha chắc khét giọt mồ hôi?” (Về thăm mộ cha).
Đáng lưu ý là sự ngưỡng vọng của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn về miền “Đất Võ - Trời Văn” Bình Định. Đó là những cảm xúc, sự ngưỡng mộ của nhà thơ đối với người anh hùng “Áo vải, cờ đào” Quang Trung - Nguyễn Huệ; đối với thắng cảnh Ghềnh Ráng - Tiên sa; những thiện cảm đối với thi sĩ “tài hoa - bạc mệnh” Hàn Mạc Tử...
Theo đó, trước tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ, nhà thơ xúc động viết: “Ngài đứng đây uy nghi/ Nhìn đất nước giặc âm thầm lấn chiếm/ Nhìn con cháu những ai đang ngậm miệng/ Nhìn ông già và đứa trẻ bi bô.../ Ngài có thề đối mặt với “Tàu Ô”?” (Trước tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ). Còn đối với Hàn Mạc Tử, tác giả dành cho thi sĩ một sự ngưỡng vọng đầy trân trọng: “Tử nằm đó/ Những người hâm mộ đến đây/ Lòng hóa hương khói bay/ Thành bông hoa đại trắng đêm nay/ Cúi đầu/ Mắt cay cay/ Tôi như bông phượng đốt ngày sang đêm” (Đêm bên mộ Hàn Mạc Tử)...
Nhà nghiên cứu phê bình văn học Đặng Văn Sinh đánh giá: “Tác giả (Nguyễn Lâm Cẩn) vừa là chủ thể tự sự, chủ thể cảm xúc vừa là chứng nhân lịch sử, lặn sâu dưới đáy cuộc nhân sinh để mà trải nghiệm. Vì thế, mỗi câu thơ của ông đều được rút ra từ gan ruột, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của kiếp người”.
VIẾT HIỀN