Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi: Truyền cảm hứng & lan tỏa sâu rộng
Ðây là kết quả nổi bật qua 2 năm (2017 - 2019) thực hiện phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, được đánh giá tại Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp đỡ hộ nông dân nghèo, khó khăn giai đoạn 2017 - 2019; tôn vinh sản phẩm nông dân đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2019, do Hội Nông dân tỉnh tổ chức ngày 23.9 tại TP Quy Nhơn.
Theo ông Đỗ Thiện Chế, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong 3 phong trào lớn của hội nông dân các cấp, triển khai đạt hiệu quả cao. Qua phong trào, đã phát hiện và nhân rộng các mô hình SXKD giỏi ở nông thôn, truyền cảm hứng để nhiều nông hộ khác học tập, làm theo, qua đó phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Nghề trồng dâu nuôi tằm của nông dân huyện Hoài Ân mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cấp hội, nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ KHKT… nhằm tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập. Để tăng năng suất, giảm chi phí nhân công, năm 2015, anh Nguyễn Hữu Vinh, ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn đầu tư 500 triệu đồng lắp đặt máy rang hạt, ép dập khuôn bánh cốm nổ. Ngoài ra anh còn liên kết để nhiều nông hộ ở xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn cung cấp nếp ngự cho cơ sở sản xuất của gia đình. Hiện nay, doanh thu mỗi năm của cơ sở đạt 1,5 - 1,8 tỷ đồng, tạo việc làm cho 12 lao động với thu nhập bình quân 4,8 triệu đồng/người/tháng. Anh Vinh chia sẻ: “Tôi đang đầu tư 3 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất bánh tráng nước dừa với dây chuyền sản xuất tự động khép kín từ khâu tráng, sấy, nướng bánh đến đóng bao bì, công suất 50.000 bánh/ngày, dự kiến cuối năm nay sẽ đưa vào hoạt động”.
Điển hình trong phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi còn có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao, như mô hình trồng quýt, bưởi, bơ và keo lai, kết hợp nuôi bò, gà, vịt của gia đình ông Phạm Đình Độ (thôn Long Mỹ, xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân), thu nhập hơn 250 triệu đồng/năm; ông Nguyễn Xuân Sang (thôn Thanh Sơn, xã An Tân, huyện An Lão) đã cải tạo vườn nhà, vườn rừng thành mô hình chăn nuôi heo, trồng bưởi da xanh, trồng keo lai, thu nhập 120 triệu đồng/năm; mô hình nuôi trồng thủy sản tổng hợp tôm, cua, cá của ông Hồ Trọng Lập (ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), thu nhập 120 - 150 triệu đồng/năm…
“Các cấp hội nông dân trong tỉnh phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua SXKD giỏi, bám sát nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương. Phong trào không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế hộ mà phải tạo cơ sở cho việc phát triển kinh tế tập thể bền vững, hiệu quả. Vận động các hộ nông dân liên kết hình thành các chuỗi hợp tác, mở rộng quy mô SXKD, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Phong trào thi đua phải gắn chặt với công tác xây dựng tổ chức các cấp hội vững mạnh, phối hợp hỗ trợ nông dân đẩy mạnh SXKD, xúc tiến quảng bá sản phẩm…”
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn
Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 68.917 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp. Trong số đó, có 109 hộ thành lập DN; hơn 18.800 hộ tham gia phát triển kinh tế tập thể quy mô tổ hợp tác, HTX; hơn 6.000 hộ tham gia liên kết, liên doanh trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tạo việc làm cho hơn 253.700 lao động tại chỗ; giúp đỡ hơn 2.000 hộ nghèo biết cách làm ăn để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phát huy thành quả trên, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển phong trào nông dân SXKD giỏi, hỗ trợ nông dân nghèo, khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững giai đoạn 2020 - 2025. Đề án đặt ra mục tiêu phấn đấu hàng năm có hơn 60% số hộ nông dân đăng ký và hơn 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi, góp phần phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tại Hội nghị biểu dương nông dân SXKD giỏi, giúp đỡ hộ nông dân nghèo, khó khăn giai đoạn 2017 - 2019, cùng với việc chia vui, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu gợi ý: Muốn sản xuất nông nghiệp bền vững, các hộ nông dân phải xây dựng mô hình sản xuất phù hợp, có sự liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, truy xuất được nguồn gốc... Có như vậy mới tiến tới mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nâng cao giá trị sản phẩm.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN