Võ đường Kim Hoàng: Tiếp nối truyền thống võ thuật xứ Dừa
Khác với nhiều võ đường trên địa bàn tỉnh, võ đường Kim Hoàng ở thôn Ngọc An Tây, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn không bảng hiệu giới thiệu, quảng bá, cũng không có thông báo chiêu sinh. Dù vậy, võ đường luôn có những đóng góp đáng kể vào phong trào võ thuật ở địa phương.
Trước khi trở thành võ sư, anh Võ Khắc Hoàng (SN 1975) đã tìm học ở nhiều thầy võ, trong đó có thầy Kim Chức (đệ tử của võ sư nổi tiếng Kim Sơn) nên anh lấy tên võ đường của mình là Kim Hoàng. Sau đó, Khắc Hoàng “bất ngờ” khi được chính ông nội truyền dạy thêm. “Khi còn trẻ tôi chỉ thích học đối kháng để đánh đấm trên võ đài cho sướng! Tôi có nghe người trong thôn nói ông nội tôi biết võ nhưng rất hiền lành, vả lại tôi chưa một lần thấy nội ra đòn nên cũng quên bẵng. Một ngày nọ, ông nội gọi tôi đến nói con thử đánh vào ông xem sao. Tôi ngạc nhiên thưa như vậy là lỗi đạo nên không dám, chưa kể mình trai tráng đôi mươi mà ông đã 77 tuổi. Ông nhất quyết nói cứ đánh mạnh hết sức nên tôi tấn công thật, chưa kịp thấy ông dùng đòn gì thì tôi đã bị văng luôn vào góc nhà. Từ đó, tôi mới thêm “ngộ” ra và được ông chỉ dạy các bài quyền, sau này không ngừng cố gắng đi học hỏi thêm...”, võ sư Khắc Hoàng kể.
Võ sinh tập luyện tại võ đường Kim Hoàng vào tối 22.9.
Tối 22.9, khi tôi đến thăm, võ đường Kim Hoàng đang rất sôi nổi với khoảng 50 võ sinh chia làm hai nhóm luyện tập nội dung đối kháng, hội thi. 15 năm qua, các lớp võ của võ sư Kim Hoàng luôn thu hút đông người học, hoạt động ổn định. Nhiều học trò của anh sau này đã phát triển tốt, hiện là HLV, VĐV tuyến năng khiếu, đội tuyển võ cổ truyền tỉnh.
“Có một em vốn rất ngỗ nghịch đến xin học võ, cha em biết được đã hốt hoảng can tôi vì sợ khi có võ con mình sẽ thêm ngang ngạnh. Tôi thuyết phục vị phụ huynh này, và trong quá trình truyền dạy thì tìm cách đã phân tích điều hay lẽ phải để em hiểu ra, dần thay đổi. Khi trưởng thành, đến lúc lấy vợ, cậu ấy còn tha thiết nhờ cha mẹ đến thuyết phục tôi đi họ... Hiện em là giám đốc một DN ở TP Hồ Chí Minh!”, võ sư Khắc Hoàng kể.
Tham gia Giải võ thuật cổ truyền các võ đường Bình Ðịnh tranh Cúp Hoàng Ðế Quang Trung lần thứ III - năm 2019, chưa tính đến việc trước đó lo ăn ở cho học trò cả tháng trời tại nhà, chỉ riêng tiền ở cho VÐV trong thời gian thi đấu gần một tuần ở Quy Nhơn đã tốn 21 triệu đồng. Ðể có thể chu tất cho học trò, võ sư Khắc Hoàng đã thuyết phục vợ ủng hộ bằng cách… bán 4 con heo để có thêm tiền giúp anh trang trải.
Tận tâm truyền dạy, chịu khó đầu tư tập luyện với phương pháp hiệu quả, nên võ đường Kim Hoàng đã sớm gặt hái thành công nội dung đối kháng ở các giải võ cổ truyền cấp huyện, tỉnh. Từ một số lý do, trong mấy năm gần đây, võ sư Khắc Hoàng không đưa học trò đi thi đấu giải, nhưng anh vẫn duy trì truyền dạy tại nhà và đều đặn cung cấp “hạt giống” cho tuyến năng khiếu võ cổ truyền tỉnh. Đến Đại hội TDTT tỉnh năm 2017 - 2018, khi Trung tâm VH-TT&TT huyện Hoài Nhơn đề nghị cử VĐV đại diện cho huyện thi đấu môn kick-boxing, 6/9 VĐV của võ đường Kim Hoàng tham gia thi đấu và lọt vào tới chung kết, nhờ vậy đã đoạt giải ba toàn đoàn ở nội dung này.
Hướng đến phong trào chung, mới đây võ đường Kim Hoàng quyết định trở lại và tham gia Giải võ thuật cổ truyền các võ đường Bình Định tranh Cúp Hoàng Đế Quang Trung lần thứ III - năm 2019. Quá trình chuẩn bị cho giải, vợ chồng võ sư Khắc Hoàng nuôi vài chục học trò ăn ở tại nhà trong suốt một tháng trời. Nhờ vậy, võ đường Kim Hoàng đã có cuộc trở lại đầy ấn tượng, khi đoạt cúp vô địch nội dung đối kháng với 6 HCV, 6 HCĐ. Tiếp sau đó, tham gia Liên hoan Tinh hoa Võ Việt quốc tế lần thứ II - năm 2019, võ đường Kim Hoàng tiếp tục gặt hái thành công với 4 HCV, 1 HCB, 4 HCĐ ở cả hai nội dung đối kháng và hội thi.
Võ sư Khắc Hoàng bày tỏ: “Khi quyết định trở lại tham gia các giải đấu, tôi không đặt nặng việc phải đạt thành tích cao, mà sát cánh cùng học trò động viên các cháu tập luyện và thi đấu hết mình. Điều này nhằm góp phần thể hiện truyền thống võ cổ truyền của quê hương Hoài Nhơn vẫn tiếp tục được gìn giữ, tiếp nối...”.
HOÀI THU