Triển khai chương trình sữa học đường: Bước khởi đầu thuận lợi
Năm học 2019 - 2020, Bình Ðịnh triển khai chương trình Sữa học đường cho học sinh độ tuổi mẫu giáo (từ 3 - 5 tuổi) trong toàn tỉnh, nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Bước đầu, chương trình được triển khai tương đối thuận lợi, tạo sự tin tưởng và ủng hộ của phụ huynh học sinh.
Các bé Trường Mầm non Măng Non uống sữa của chương trình Sữa học đường.
Chương trình Sữa học đường mang ý nghĩa giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Bình Định, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Theo đó, đến năm 2020, 100% số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ở các huyện miền núi, xã đảo, xã bãi ngang, hộ nghèo được uống sữa theo chương trình; với vùng thành thị, nông thôn tỷ lệ này là 70%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ độ tuổi mẫu giáo trung bình 0,6%/năm; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi trung bình 0,7%/năm.
276 cơ sở mầm non tham gia
Chương trình Sữa học đường được thực hiện bằng ngân sách nhà nước, trong đó nhà nước hỗ trợ 100% đối với 3 huyện miền núi, xã bãi ngang, xã đảo, hộ nghèo. Với vùng đồng bằng, nhà nước hỗ trợ 25%, DN hỗ trợ 25%, phụ huynh đóng góp 50%. Hiện, có 276 cơ sở giáo dục mầm non trên toàn tỉnh tham gia chương trình Sữa học đường. Mỗi tuần, học sinh được uống 3 hộp sữa tươi Vinamilk 180 ml/hộp.
Ông Bùi Xuân Ngọc, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Với học sinh miền núi, hộ nghèo, chương trình này đặc biệt có ý nghĩa. Đời sống người dân còn khó khăn nên chương trình triển khai mang đến nhiều niềm vui cho các em và phụ huynh, bởi đâu phải em nào cũng được uống sữa tươi đều đặn hàng tuần. Ở những xã vùng cao, địa bàn cách trở và có nhiều điểm lẻ, đơn vị cung cấp sẽ đem sữa đủ dùng trong 1 tháng đến điểm trường chính, sau đó các thầy cô tiếp tục chuyển đến các điểm trường khác, đảm bảo cho sữa không bị hư hỏng”.
Tham gia chương trình, không chỉ các bậc phụ huynh và trẻ được hưởng lợi mà bản thân các giáo viên cũng thuận lợi trong quá trình chăm sóc trẻ. Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vĩnh Thuận (Vĩnh Thạnh), cho hay: “Sữa được hỗ trợ hoàn toàn cho các con nên cả phụ huynh lẫn nhà trường đều rất vui. Chúng tôi đã bố trí nơi bảo quản sữa an toàn đúng theo yêu cầu để đảm bảo chất lượng sữa cho các con”.
Phụ huynh ủng hộ
Thông tin trái chiều về chương trình Sữa học đường ở một số tỉnh, thành thời gian qua khiến không ít phụ huynh tại Bình Định tỏ ra e ngại chất lượng, thành phần có trong sữa, không muốn tham gia ngay những ngày đầu triển khai chương trình. Tuy nhiên, đến nay, chương trình đã thuyết phục được những phụ huynh dù khó tính nhất.
Chị Trương Hà Nhiên, phụ huynh một học sinh mầm non tại TP Quy Nhơn, chia sẻ, lúc đầu đọc một số bài báo thông tin sữa trong chương trình Sữa học đường có thêm nhiều vi chất khác và không phải sữa tươi nên rất lo lắng. Nhưng sau khi tìm hiểu cặn kẽ chương trình triển khai tại Bình Định, xác nhận thành phần, chất lượng sữa, tôi yên tâm cho con tham gia.
Bà Tô Thị Vân Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Măng Non (TP Quy Nhơn) cho hay, Vinamilk là đơn vị cung cấp sữa có thương hiệu, chất lượng sữa được quản lý nghiêm ngặt nên phụ huynh rất yên tâm, chỉ những bé sức khỏe yếu phải uống một loại sữa nhất định mới không tham gia chương trình. Nhà trường rất kỹ lưỡng trong việc nhập kho, xuất kho để sữa đến với các con hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Thanh Liêm khẳng định, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo Sữa học đường, phối hợp một số sở, ngành để chọn nguồn sữa, đơn vị trúng thầu, đơn vị tham mưu để chất lượng sữa đảm bảo nguyên tắc hàm lượng theo Quyết định 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Chúng tôi cũng lấy ý kiến phụ huynh học sinh về việc triển khai chương trình này. Đặc biệt, Sở tổ chức tập huấn cho 657 hiệu trưởng của các trường mầm non và cán bộ phụ trách truyền thông về ý nghĩa thiết thực của chương trình; công tác bảo quản, vận chuyển, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi cho trẻ uống sữa trong chương trình.
THẢO KHUY