Tái cơ cấu trên lĩnh vực chăn nuôi: Còn nhiều việc phải làm
Tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi là một trong những vấn đề quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Dù đã có kết quả bước đầu, nhưng còn nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu tái cơ cấu lĩnh vực này.
Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước) sản xuất và tiêu thụ hàng chục triệu con gà giống lông màu 1 ngày tuổi/năm.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm ở tỉnh ta phát triển khá mạnh thời gian gần đây. Nhiều địa phương đã lựa chọn các loại vật nuôi phù hợp để ưu tiên đầu tư, phát triển.
Xác định chăn nuôi heo thịt là ngành nghề chính thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, ngành chức năng huyện Hoài Ân cùng các xã, thị trấn đã vận động 29.000 DN, chủ trang trại, gia trại cùng tham gia vùng chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ tạo động lực cho người dân thực hiện phương án sản xuất chăn nuôi. Với suy nghĩ đầu tư chăn nuôi an toàn sinh học gắn bảo vệ môi trường là chìa khóa thành công, ông Nguyễn Hải Đảo (xã Ân Tường Đông) xây dựng trang trại chăn nuôi 2.000 con heo thịt khép kín, áp dụng công nghệ cao. “Mỗi tháng, trang trại xuất chuồng hàng trăm con heo thịt chất lượng cao. Trang trại luôn đảm bảo xanh, sạch, mát và thực hiện tốt phòng chống dịch bệnh, nhờ đó ngăn ngừa được các dịch bệnh nguy hiểm, kể cả dịch tả heo châu Phi”, ông Đảo chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho hay: “Bên cạnh việc khuyến khích, hỗ trợ người dân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chúng tôi xúc tiến thành lập Trung tâm mua bán heo, HTX sản xuất và tiêu thụ heo hơi; đồng thời, phối hợp TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế giải quyết đầu ra sản phẩm chăn nuôi cho người dân”.
Còn tại các địa phương như: An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn... chăn nuôi bò thịt chất lượng cao và chăn nuôi gà lông màu theo hướng an toàn sinh học được nhiều DN, chủ trang trại, gia trại áp dụng hiệu quả.
Trang trại chăn nuôi heo của ông Nguyễn Hải Đảo (xã Ân Tường Đông) được đầu tư khép kín, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, có 3 đối tượng vật nuôi chính (bò thịt chất lượng cao, gà lông màu, heo thịt) thuộc diện tái cơ cấu để nâng cao giá trị gia tăng đã phát triển cả về lượng lẫn chất. Tổng đàn heo hiện có 678.621 con, sản lượng heo hơi xuất chuồng hàng năm đạt 116 nghìn tấn; đàn bò 290.584 con, tỷ lệ bò lai đạt 83% so với tổng đàn, tổng sản lượng thịt xuất chuồng khoảng 31.637 tấn. Đàn gia cầm của tỉnh có 5,6 triệu con, sản lượng thịt xuất chuồng đạt 13.834 tấn. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển vẫn thiếu tính bền vững khi quy mô chăn nuôi nhỏ, phân tán; hạn chế trong áp dụng tiến bộ kỹ thuật; nông dân khó tiếp cận vốn vay để đầu tư; dịch bệnh gia súc gia cầm thường xuyên đe dọa; đầu ra sản phẩm không ổn định...
Để đảm bảo đến năm 2020, đàn bò đạt 320 nghìn con, sản lượng thịt xuất chuồng 41.500 tấn; đàn heo 1 triệu con, sản lượng heo thịt xuất chuồng 152 nghìn tấn; đàn gà 5,5 triệu con, sản lượng thịt xuất chuồng 15.800 tấn theo Quyết định số 899/2015 của Chính phủ, ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương tiếp tục thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao và chăn nuôi gà lông màu tại An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát… Hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, thiết bị cho người dân để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Hình thành chợ mua bán bò tại An Nhơn và Tuy Phước để giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi.
Bên cạnh đó, tiếp tục giảm quy mô chăn nuôi heo nhỏ lẻ; tăng số lượng trang trại, gia trại áp dụng công nghệ cao, gắn với bảo vệ môi trường. Hỗ trợ Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước) và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (huyện Phù Cát) đầu tư phát triển chăn nuôi gà giống lông màu; xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến; vận động người dân đầu tư phát triển chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng chất lượng, hiệu quả đầu tư. Riêng tại “vựa” heo Hoài Ân, ngành Nông nghiệp hỗ trợ địa phương thực hiện hiệu quả vùng chăn nuôi an toàn và xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm.
“Với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp, chúng tôi tin tưởng đến năm 2020 sẽ đảm bảo các mục tiêu về tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Văn Hùng nhấn mạnh.
PHẠM TIẾN SỸ