GIẢM THIỂU TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG TRONG ĐỒNG BÀO DTTS:
Chuyển biến tích cực từ một đề án
Sau hơn 3 năm thực hiện Ðề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Tại các địa phương, đơn vị điểm, tỷ lệ tảo hôn đã giảm 50% trở lên.
Một tiểu phẩm tuyên truyền về nạn tảo hôn trong cộng đồng dân tộc thiểu số do các thanh niên xã Canh Liên (huyện Vân Canh) thực hiện.
Kết quả từ 2 mô hình điểm
Xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh và Trường Phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) THCS và THPT Vĩnh Thạnh là 2 địa phương, đơn vị thuộc mô hình điểm Đề án. Tình trạng tảo hôn tại mỗi nơi đã được cải thiện đáng kể từ khi triển khai thực hiện Đề án.
Số liệu từ Ban Dân tộc tỉnh, tính đến cuối năm 2015, trong số 23.053 người đã từng kết hôn có 6.371 người tảo hôn, chiếm tỷ lệ 27,63%, 143 người được xác định là hôn nhân cận huyết thống, chiếm tỷ lệ 0,62%.
Tại Vĩnh Sơn, số liệu đến ngày 31.12.2015, toàn xã có 363 người tảo hôn (không có trường hợp nào kết hôn cận huyết thống). Năm 2016, trong số 61 cặp kết hôn thì có 10 người chưa đến tuổi (độ tuổi trẻ nhất là 15 tuổi/2 người). Đến năm 2018 (sau 3 năm tham gia Đề án), trong số 40 cặp kết hôn, trường hợp tảo hôn được ghi nhận còn 5 người (độ tuổi trẻ nhất là 16 tuổi/2 người). Như vậy, vi phạm tảo hôn đã giảm 50% so với năm 2016, bên cạnh đó tuổi đời cũng cao hơn. Giai đoạn từ 2015 - 2018 cũng không xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống.
Trong khi đó ở Trường Phổ thông DTNT THCS và THPT Vĩnh Thạnh, kết quả khảo sát từ năm học 2011 - 2012 đến 2016 - 2017 có 33/182 học sinh bỏ học để lập gia đình, trong đó 20/33 trường hợp là tảo hôn (bậc THCS: 5), nữ chiếm 17/20. Đến năm học 2017 - 2018, trong tổng số 29 học sinh bỏ học chỉ có 2 trường hợp vì lý do lập gia đình (tảo hôn), đều là nữ ở bậc THPT. So với năm học 2015 - 2016 (trước khi thực hiện mô hình), số học sinh bỏ học vì kết hôn giảm 4 trường hợp, tỷ lệ giảm là 67%, không có học sinh ở bậc THCS (tức tuổi đời vi phạm tảo hôn cũng cao hơn).
Những số liệu cụ thể trên đã cho thấy hiệu quả của Đề án, làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở tỉnh ta, nhất là ở những địa bàn “điểm nóng”. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi cho đồng bào DTTS trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, hướng đến cùng xây dựng cuộc sống phát triển, tiến bộ hơn.
Nhân rộng mô hình, thực hiện quyết liệt
Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian còn lại, Đề án được tiếp tục tích cực triển khai theo hướng nhân rộng mô hình điểm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với đổi mới hình thức, tăng cường công tác quản lý nhà nước… Riêng trong năm 2019, Đề án xây dựng thêm 12 pa nô tuyên truyền tại nhà sinh hoạt cộng đồng một số thôn, làng ở 3 xã: Canh Liên, Canh Hòa, Canh Thuận (huyện Vân Canh) và xã An Vinh (huyện An Lão). Về nhân rộng mô hình điểm, bên cạnh tiếp tục duy trì ở Vĩnh Sơn đến năm 2020, Đề án được triển khai thêm ở những địa bàn có tỷ lệ, nguy cơ cao, gồm 4 xã của huyện An Lão: An Toàn, An Nghĩa, An Quang, An Vinh và xã Đắk Mang, huyện Hoài Ân. Tương tự, ở khối trường DTNT, bên cạnh duy trì đối với Trường Phổ thông DTNT THCS và THPT Vĩnh Thạnh (đến năm 2020), Đề án mở rộng thêm 3 trường ở các huyện An Lão, Hoài Ân và Vân Canh.
Theo ông Trần Quốc Lại, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh, để từng bước hạn chế và đảm bảo mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh cơ bản không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn 2019 - 2020 được xây dựng, tổ chức thực hiện. Trong đó, giải pháp bền vững nhất vẫn là đầu tư phát triển KT-XH để tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Cùng với đó, tiếp tục chú trọng, tổ chức thực hiện thường xuyên giải pháp tuyên truyền và quyết liệt hơn đối với giải pháp quản lý nhà nước.
“Tuyên truyền kiểu “mưa dầm, thấm lâu”, phải tiến hành từ cấp cơ sở, đến từng người dân, cho đến khi họ có ý thức, hành vi đúng trong thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình. Huyện ủy, Đảng ủy các xã đông đồng bào DTTS có chỉ thị, nghị quyết quy định cán bộ, đảng viên có con tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống hay dự những đám cưới này thì đưa vào tiêu chí đánh giá, xếp loại đảng viên hàng năm. Các thôn, làng bổ sung vào hương ước: Trên địa bàn, gia đình nào tổ chức đám cưới mà chú rể, cô dâu chưa đến tuổi thì bà con trong làng không đến dự…”, ông Trần Quốc Lại nhấn mạnh.
SAO LY