UNESCO vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du:
Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam
Kỳ họp lần thứ 37 Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), diễn ra tại Pa-ri (Pháp) vừa qua, đã ra Nghị quyết vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) của Việt Nam cùng với nhiều danh nhân văn hóa khác trên thế giới.
Tượng Đại thi hào Nguyễn Du tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: hatinh.gov.vn.
Theo đó, Nghị quyết 191/EX32 kêu gọi các quốc gia cùng vinh danh trong hai năm 2014 và 2015 một số nhân vật có tầm ảnh hưởng đặc biệt trên thế giới và trong khu vực, trong đó có Đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam.
50 năm mới có một lần
Năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới công nhận Đại thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới và ra quyết định kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông. Còn UNESCO, đây là lần đầu tiên vinh danh Nguyễn Du-Đại thi hào của dân tộc Việt Nam.
Theo thông lệ, UNESCO sẽ xét các hồ sơ để vinh danh những nhân vật có tầm ảnh hưởng quốc tế do các nước thành viên đệ trình. Hồ sơ được phê chuẩn phải đáp ứng tiêu chí là nhân vật có tầm ảnh hưởng ở khu vực và quốc tế trong 5 lĩnh vực, gồm văn hóa, giáo dục, khoa học tự nhiên-xã hội và thông tin, đúng dịp kỷ niệm năm sinh và năm mất theo bước tuổi 50. Như vậy, nếu như không kịp vinh danh lần này nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, chúng ta phải đợi tới thời điểm năm 2020, tưởng niệm 200 năm ngày mất hoặc xa hơn là năm 2065, kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông.
Do Hội đồng Hòa bình thế giới đã vinh danh trước và tự thân sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du đã mang tầm nhân loại, nên nhiều người cứ đinh ninh UNESCO mặc nhiên sẽ có quyết định vinh danh. Sự thật hoàn toàn trái ngược! Nếu như các cơ quan chức năng nước ta không chủ động trình hồ sơ khoa học cùng với công hàm Chính phủ để xét kỷ niệm Đại thi hào Nguyễn Du và nhất là không nộp đúng thời gian quy định thì việc lỡ hẹn vinh danh là điều không tránh khỏi.
Nhận biết tầm quan trọng cũng như sự gấp rút về thời gian, những người ngưỡng mộ tài năng của Đại thi hào Nguyễn Du đã thành lập Ban vận động UNESCO vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du, quy tụ nhiều nhân vật ở nhiều tổ chức, hoạt động tự nguyện; trong đó, có đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Trao đổi với chúng tôi, TS Phan Tử Phùng-người từng mất gần 3 năm vận động thành lập Hội Kiều học Việt Nam, nay tiếp tục tích cực vận động UNESCO vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du-cho biết: Để Đại hội đồng UNESCO phê duyệt, phía nước sở tại phải trình hồ sơ, kèm công hàm trong tháng 12.2012. Rất may, hồ sơ vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du đã được Ủy ban UNESCO Việt Nam gửi bằng thư điện tử tới Ban thư ký UNESCO ở Pa-ri trong phút chót. Cũng theo TS Phan Tử Phùng, không phải cứ hồ sơ về nhân vật nào đưa lên cũng được UNESCO phê duyệt, đã có một số hồ sơ các nhân vật ở nhiều quốc gia khác không đạt yêu cầu.
Việc cần làm bây giờ là thực hiện chương trình hành động vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du thật trang trọng, nhiều hoạt động thiết thực với sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng một cách chặt chẽ.
“Con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ đã nghìn đời”
Nguyễn Du có tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh tại phường Bích Câu, Thăng Long trong một gia đình quan chức đại quý tộc. Ông là con thứ 7 của Nguyễn Nghiễm với người vợ thứ 3. Nguyễn Nghiễm (1708-1776), quê xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, làm tới chức Tể tướng.
Khi Nguyễn Du lớn lên, xã hội rối ren khiến con đường chính trị của ông không thuận buồm xuôi gió, thậm chí có thời gian Nguyễn Du phải lánh về quê vợ ở Thái Bình. Các nhà nghiên cứu đều nhấn mạnh, bối cảnh xã hội thời bấy giờ đã có ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư tình cảm và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du. Nguyễn Du là một nhà Nho nhưng được xem là một nhà Nho tài tử trọng tài năng, manh nha ý thức cá nhân, thích hưởng thụ cái đẹp trần thế.
Với Nguyễn Du, làm thơ không chỉ để nói chí khí mà là một cách khẳng định tài năng, một cách hưởng lạc: Hồn tàn mệnh bạc mặc dầu/ Văn chương sách vở duyên sau còn nhiều/... Sớm nghe đạo, tối chết đành/ Mê thơ hơn hẳn liệng vành tìm hoa (bài “Điệp tử thư trung”, Phạm Khắc Khoan và Lê Thước dịch). Số lượng tác phẩm Nguyễn Du để lại khá nhiều, gồm các tập thơ chữ Hán là “Thanh Hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm” và “Bắc hành tạp lục”. Ngoài việc nắm vững các thể thơ cổ điển Trung Quốc, Nguyễn Du còn có tài làm thơ chữ Nôm mà tiêu biểu là kiệt tác “Đoạn trường tân thanh” (tức “Truyện Kiều”) gồm 3.254 câu thơ lục bát.
Việc mượn cốt truyện của tiểu thuyết chương hồi “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) làm cảm hứng để sáng tác “Truyện Kiều” là chuyện hết sức bình thường theo quan niệm văn học trung đại vùng Đông Á. Trong cuốn sách nổi tiếng “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” (NXB Khoa học xã hội, 1985), GS Phan Ngọc đã chứng minh thiên tài của Đại thi hào Nguyễn Du với những cách tân nghệ thuật thể loại và ngôn ngữ dân tộc trong “Truyện Kiều” vượt xa thành tựu nghệ thuật văn chương khu vực thời đó; nhất là trong chương III “Phương pháp tự sự của Nguyễn Du” và chương IV “Truyện Kiều, tiểu thuyết phân tích tâm lý”.
Không chỉ có tài làm thơ, sở dĩ Nguyễn Du được nhân dân ta xưng tụng là Đại thi hào dân tộc bởi nhiều tác phẩm của ông chan chứa tính nhân văn sâu sắc. Đúng như trong bài tựa cho “Truyện Kiều” của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân tức ông quan-nhà văn người Bắc Ninh Nguyễn Đăng Tuyển (khoảng năm 1795-1880) có đoạn văn viết rằng: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ đã nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”.
Sinh thời, Đại thi hào Nguyễn Du từng viết: Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng? Theo thời gian, sự nghi ngại của Đại thi hào rút cuộc cũng sẽ không còn, không chỉ nhân dân Việt Nam mà bạn bè quốc tế cũng đồng cảm được "lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thắm trên tờ giấy”; cùng khóc, cùng đau trước thân phận kiếp người mỗi khi đọc “Truyện Kiều”. Đó là tác phẩm sẽ trở thành biểu tượng, trường tồn cùng dân tộc như một câu nói nổi tiếng của người xưa: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn...”.
Theo TRẦN HOÀNG HOÀNG (QĐNDO)