Ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế: Vẫn manh mún, dàn trải
Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Y tế là yêu cầu cấp thiết nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho bệnh nhân. Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận, song việc hệ thống thiếu tính kết nối đồng bộ, năng lực quản lý toàn diện còn hạn chế, đã tạo ra một số “điểm nghẽn” trên hành trình tiến tới bệnh án điện tử, mô hình bệnh viện không giấy.
BVĐK tỉnh vẫn chưa ứng dụng CNTT vào hoạt động chẩn đoán hình ảnh như chụp CT-Scanner, hay MRI.
Chưa quản lý toàn diện
Không khó để thấy hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong phục vụ khám chữa bệnh (KCB). Lấy ví dụ là BVĐK tỉnh, tại bệnh viện này, gần 1.500 giường bệnh luôn kín bệnh nhân, lượng bệnh khám ngoại trú lên đến con số cả ngàn người. Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, bác sĩ Võ Bảo Dũng cho hay, ứng dụng hệ thống quản lý bệnh viện eHOSPITAL từ nhà cung cấp Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT giúp ích rất nhiều trong điều hành, quản lý, lẫn công tác KCB. Bệnh nhân chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, nhân viên y tế nhập liệu, chuyển những thông tin ấy đến phòng khám. Sau khi khám xong, kết quả chẩn đoán, đơn thuốc, ngày tái khám được chuyển đến quầy thuốc và in ra cho khách hàng, toàn bộ được thực hiện trên một nền tảng, hệ thống. Nhờ đó đã giúp giảm hơn nửa thời gian thực hiện các thủ tục so với trước, nên dù bệnh nhân đông, nhân viên y tế vẫn không chịu nhiều áp lực, người bệnh cũng không phải chờ đợi lâu.
Quy định chồng chéo
Theo BHXH tỉnh, trong ứng dụng CNTT để kết nối liên thông chuyển dữ liệu KCB và giám định điện tử BHYT, đến tháng 9.2019 có 192 cơ sở y tế từ tỉnh đến xã liên thông dữ liệu KCB BHYT (100%), nhưng mới có 92,43% gửi dữ liệu liên thông phục vụ quản lý thông tuyến; kết nối liên thông dữ liệu ngay khi kết thúc điều trị ở các bệnh viện và TTYT còn quá chậm. Ngoài yếu tố chủ quan, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hà Thúc Chí cho rằng, vướng mắc còn nằm ở danh mục dùng chung đối với thuốc và các dịch vụ kỹ thuật; cùng với đó là giá dịch vụ y tế thường xuyên thay đổi, cũng như những quy định chồng chéo giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.
Đến nay, TTYT TX An Nhơn đã đầu tư hệ thống quản lý bệnh viện Viettel - HIS và liên thông phần mềm KCB tuyến xã. Giám đốc Trung tâm Lê Thái Bình khẳng định, nhiệm vụ chính của bác sĩ là KCB, nhưng lại phải dành tới 75% thời gian làm việc cho công tác hành chính, giấy tờ thì lấy thời giờ đâu tập trung cho công tác chuyên môn. Với ứng dụng CNTT, thời gian chờ khám đến nay đã giảm 12 phút/bệnh nhân; thời gian làm thủ tục xuất viện cũng chỉ 10 phút.
Theo Sở Y tế, đến nay, tất cả cơ sở y tế tuyến tỉnh và huyện đều đã ứng dụng hệ thống quản lý bệnh viện như eHOSPITAL, VNPT-His, Viettel-His. Đồng thời, kết nối liên thông dữ liệu với các phần mềm quản lý KCB, y tế dự phòng tuyến xã. Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho rằng: “Ứng dụng CNTT trong ngành Y tế là vấn đề hết sức quan trọng, đặc biệt trong hoạt động KCB. Tuy nhiên, ứng dụng CNTT của các cơ sở y tế hiện vẫn còn đơn giản, manh mún. Tiếng là hệ thống quản lý bệnh viện, nhưng thực chất hầu hết mới chỉ dừng ở phần mềm quản lý KCB BHYT, chứ chưa phải đã quản lý toàn diện tất cả các hoạt động của bệnh viện”.
Thật vậy, không kể đến các phần mềm quản lý tài chính, vật tư y tế, nhân sự..., ngay đơn vị đầu tư mạnh về CNTT là BVĐK tỉnh đến nay vẫn chưa thể giải quyết được nỗi ngán ngại của bệnh nhân mỗi khi được bác sĩ chỉ định chụp CT, hay MRI. Bởi, hiện bệnh viện vẫn quản lý và lưu trữ kết quả thực hiện cận lâm sàng dưới dạng film in, muốn đọc và lưu trữ phải in ra film, chưa kể phải cần nhân viên xử lý, bảo quản, khó sử dụng cho những lần tái khám sau hay đi bệnh viện khác... “Bệnh viện chưa thể đầu tư hệ thống số hóa để kết nối dữ liệu hình ảnh, chưa gỡ hết những vướng mắc kỹ thuật để rút ngắn các công đoạn, nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như lưu trữ an toàn các dữ liệu liên quan đến kết quả thăm khám, chụp chiếu, chỉ định điều trị và kết quả điều trị của bệnh nhân… vào cơ sở dữ liệu của mình!”, bác sĩ Võ Bảo Dũng tâm tư.
Lãnh đạo và đội ngũ IT phải “ra đề bài”
Cùng với hạn chế trong ứng dụng hệ thống quản lý bệnh viện, một “nút thắt” cần sớm được gỡ là cơ sở hạ tầng CNTT của các bệnh viện chưa được đầu tư tương xứng; các phần mềm mà các cơ sở y tế đang sử dụng không thống nhất, nên cần công cụ kết nối trung gian để liên thông cơ sở dữ liệu. Không ít cơ sở y tế chưa quan tâm bố trí kinh phí đầu tư CNTT mà trông chờ từ trên “rót” về.
Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác CNTT trong các bệnh viện thiếu và yếu. Duy nhất BVĐK tỉnh có phòng CNTT với 10 nhân sự; các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện còn lại hoạt động dưới dạng tổ, hoặc chỉ có 1 người phụ trách. Chưa kể, đội ngũ nhân viên y tế trực tiếp thao tác các ứng dụng CNTT vẫn chưa thật sự thông thạo…
Hiện, lộ trình được Bộ Y tế đề ra đến năm 2023, bệnh viện hạng đặc biệt và hạng nhất như BVĐK tỉnh phải triển khai bệnh án điện tử, các bệnh viện còn lại đến năm 2025 phải hoàn tất. Nhưng với thực trạng ứng dụng CNTT hiện nay, theo ông Lê Quang Hùng, con đường đi đến ứng dụng bệnh án điện tử là… rất xa! Bởi, muốn làm bệnh án điện tử, bên cạnh hệ thống quản lý bệnh viện toàn diện, tất cả các phần mềm liên quan công tác quản lý tài chính, trang thiết bị, vật tư y tế, nhân lực, văn bản… của cơ sở y tế đều phải tích hợp và liên thông thành hệ thống chung.
“Sở Y tế sẽ triển khai thí điểm hệ thống quản lý bệnh viện toàn diện cho TTYT TX An Nhơn và BVĐK Khu vực Bồng Sơn. Những cơ sở y tế tuyến tỉnh và huyện còn lại phải chủ động triển khai hoàn thiện hệ thống này. Để làm được điều này, chính lãnh đạo bệnh viện cũng phải tiếp cận CNTT, để cùng với nhân lực làm CNTT “ra đề bài” cho các đơn vị cung ứng dịch vụ”, ông Hùng nhấn mạnh.
MAI HOÀNG