Náo nức giao lưu, hội ngộ
Tiến tới Liên hoan Làng, Thôn, Khu phố văn hóa tỉnh lần IV (diễn ra trong 2 ngày 24 và 25.11 tại TP Quy Nhơn), các điểm sáng văn hóa tiêu biểu đại diện cho 7 địa phương tham gia Liên hoan đang tích cực chuẩn bị.
Tại Liên hoan Làng, Thôn, Khu phố văn hóa tỉnh lần IV năm nay (gọi tắt là Liên hoan) có 7 thôn, khu phố văn hóa tiêu biểu xuất sắc trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) của 7 địa phương: TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, các huyện: Tuy Phước, Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn sẽ đại diện tham gia tranh tài. Đây là những thôn, khu phố văn hóa có thành tích giữ vững danh hiệu tối thiểu 3 năm liên tục trở lên. Những điểm sáng văn hóa ấy là: khu phố 4, phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn), thôn Huỳnh Mai (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước), thôn An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn), thôn Vân Triêm (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), thôn Hữu Giang (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn), thôn Vĩnh Định (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh), thôn Ca Công Nam (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn).
Chuẩn bị cho Liên hoan, các địa phương đang tích cực tập luyện chương trình.
- Trong ảnh: Trưởng thôn Ca Công Nam Trương Bá Bồng và các thành viên trong đội văn nghệ thảo luận về một số nội dung thi của Liên hoan.
Vinh dự và trách nhiệm
Đều là những thôn, khu phố văn hóa lần đầu đến với Liên hoan Làng, Thôn, Khu phố văn hóa cấp tỉnh, phấn khởi và háo hức, pha chút lo lắng là tâm trạng chung của người trong cuộc ở những địa phương này. Ông Trương Bá Bồng, Trưởng thôn Ca Công Nam (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn), cho biết: “Được huyện chọn làm đại diện dự Liên hoan cấp tỉnh, bà con Ca Công Nam vừa vui vừa lo. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là nên thông báo rộng rãi việc này cho toàn thể nhân dân trong thôn được biết, đặng cùng mừng, cùng lo cho việc chung. Qua hệ thống loa phát thanh của thôn, đặc biệt qua cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo huyện tại Ca Công Nam, giờ đây từ làng trên đến xóm dưới, bà con đều biết “sự kiện”: sắp tới đội đại diện của thôn sẽ vào Quy Nhơn tham gia giao lưu, tranh tài giữa các làng, thôn, khu phố văn hóa của tỉnh!”.
Ca Công Nam vốn nổi tiếng là “đất ca”, “đất hát” nên việc chọn hạt nhân để xây dựng chương trình, kịch mục, chuẩn bị các nội dung thi của Liên hoan không quá khó. Với tinh thần xung kích, 12 “cây văn nghệ” thuộc hàng “tuyển” của thôn đã nhận nhiệm vụ này. Được biết, kinh phí để chuẩn bị chương trình và tham gia Liên hoan, ngoài phần lớn do huyện cấp, xã và thôn đều có hỗ trợ thêm.
Đại diện cho huyện Tây Sơn, đội thôn Hữu Giang (xã Tây Giang) tham gia Liên hoan năm nay gồm 15 người. Ông Đặng Hồng Sơn, một lão nông trong thôn với tài sáng tác kịch bản, dàn dựng kịch mục phong trào là người “lên chương trình” cho thôn mình đi thi. Ông Sơn tâm sự: “Từng nhiều lần viết kịch bản cho nhiều địa phương khác dự các cuộc thi, liên hoan, nay đến lượt thôn nhà, tôi đặc biệt chăm chút. Với mỗi nội dung thi: giới thiệu “Làng trong phố- phố trong làng” hay xử lý tình huống “Người của mọi nhà”, tôi đều cố gắng suy nghĩ, tìm tòi sao cho vừa đáp ứng yêu cầu của Liên hoan vừa nêu được nét riêng, nét quen thuộc trong câu chuyện về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở địa phương mình những năm qua”.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, chuyên viên Phòng VH-TT huyện Tây Sơn, tại mỗi kỳ Liên hoan Làng, Thôn, Khu phố văn hóa tỉnh, Tây Sơn luôn cử đại diện tham gia đầy đủ. Năm nay, qua thẩm định nội dung chương trình tham gia Liên hoan của thôn Hữu Giang, ông Hòa đánh giá cao chất lượng nội dung ở các phần thi, hơn hết là tinh thần đoàn kết và trách nhiệm của cán bộ và người dân Hữu Giang trong quá trình chuẩn bị cho Liên hoan.
Hào hứng chuẩn bị
4 địa phương không cử đại diện tham gia Liên hoan là Vân Canh, Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão. Lý do các địa phương đưa ra là không có kinh phí. Việc thiếu vắng đến 4 địa phương, trong đó có 3 huyện miền núi, trung du sẽ làm giảm phần nào sự đa dạng, phong phú và thành công nói chung của Liên hoan.
Đến thôn Huỳnh Mai (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước), gặp lúc đội văn nghệ của thôn đang tập trung tại nhà bí thư chi bộ thôn Nguyễn Thành Hưng để tập chương trình. Các thành viên ở đây nói đùa, rằng Huỳnh Mai mang cả “hệ thống chính trị” của xã, thôn đi thi làng văn hóa! Bởi trong “đội hình” 15 người tham gia Liên hoan của Huỳnh Mai, có cả cán bộ hội phụ nữ và cán bộ tư pháp cấp xã, bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, cán bộ hội người cao tuổi… Các thành viên còn lại, người là nông dân, công dân, buôn bán nhỏ…, cùng sát cánh và vui vẻ chia sẻ việc chung.
Ở một góc trụ sở thôn Ca Công Nam, nhóm các anh Nguyễn Trung Hiển, Lê Văn Rạng, các chị Đặng Thị Ngăn, Nguyễn Thị Hằng phụ trách phần thi giới thiệu “Làng trong phố - phố trong làng” qua tiểu phẩm “Dở khóc dở cười” sôi nổi phân tích tình huống, cách diễn xuất; góc khác, nhóm Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Thị Trọng, Nguyễn Văn Cường vào vai các Hiệu, trên tay là những câu Thai bài chòi đã sưu tầm sẵn, luyện hô sao cho thiệt “ngọt”, đúng chất bài chòi cổ. Ngoài hệ thống câu Thai mà Ban tổ chức Liên hoan cung cấp, các địa phương đang tích cực sưu tầm bổ sung. Theo ghi nhận, với một số địa phương đã từng diễn ra hội đánh bài chòi dân gian như TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, việc chuẩn bị nội dung thi này có lợi thế hơn. Thành công của sự nỗ lực “Tìm lại câu Thai cho hội đánh bài chòi dân gian” sẽ đóng góp thiết thực vào công cuộc bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi của tỉnh ta.
“Cùng nhau tranh tài” (thi ẩm thực) và “Tìm lại câu Thai cho hội đánh bài chòi dân gian” được đánh giá là những phần thi sôi nổi, hào hứng nhất. Bánh xèo tôm nhảy là đặc sản thôn Huỳnh Mai chọn giới thiệu. Còn thôn Ca Công Nam mang đến Liên hoan món bánh canh chả cá đậm đà hương vị xứ biển.
SAO LY