Ðúng giờ
Tại một buổi tập huấn hướng dẫn sử dụng hệ thống phần mềm, đúng 7 giờ 30 phút - giờ mà lẽ ra buổi tập huấn bắt đầu, hội trường mới chỉ có chừng 1/3 số đại biểu. Những hình ảnh tương tự dễ dàng thấy được tại các cuộc họp, hội nghị, tập huấn, hội thi… từ cấp thôn, xã đến tỉnh. Nhiều người hiếm khi đúng giờ, đúng hẹn.
Hơn 30 phút sau, buổi tập huấn nói trên mới bắt đầu, với chừng 2/3 số người theo danh sách dự kiến phải có mặt. Đến bao giờ chúng ta mới xem việc họp mà phải chờ đợi nhau, tiệc tùng đến trễ cả một, hai tiếng, các hội thi, biểu diễn văn nghệ ít khi có thể bắt đầu đúng giờ quy định là chuyện không còn bình thường nữa?
Gần như sự kiện nào ở tỉnh ta mà tôi có dịp tham dự đều diễn ra cảnh chờ đợi, thiếu vắng vì rất nhiều lý do. Việc này khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện về một giám đốc người Nhật tại một DN nọ. Bất cứ cuộc họp nào, ông cũng đến sớm vài phút. Mới rồi, do có việc đột xuất, ông vội nhắn tin đến ban tổ chức sự kiện nêu rõ lý do và xin phép được đến trễ 15 phút và mong mọi người thứ lỗi. Khi vừa xuống xe bước vào phòng họp, câu đầu tiên ông nói là “Xin lỗi vì tôi đã chậm trễ, mong mọi người bỏ qua” và cúi đầu. Người kể cho tôi nghe câu chuyện ấy nói rằng cả nhiệm kỳ 5 năm làm việc của ông giám đốc người Nhật ấy, đây là lần đầu tiên ông đến trễ vì lịch đột xuất phải làm trước khi lên máy bay về nước. Tuy vậy, oái ăm thay, hôm ấy ông ta không trễ!
Đúng giờ là một cách thể hiện tinh thần trách nhiệm, lối sống khoa học, tính chuyên nghiệp và khả năng tổ chức công việc. Dù bạn có làm việc tốt đến mức nào, việc đến trễ cũng sẽ gây ảnh hưởng đến hình ảnh và cách người khác nhìn nhận bạn. Đúng giờ là một trong những quy tắc căn bản mà ta nên xây dựng, gìn giữ và phát huy.
C. HIẾU