Nối thêm một nhịp cầu
Văn hóa - văn nghệ dân gian như một dòng chảy liền mạch, nối liền giữa quá khứ và hiện tạ. Nhưng để làm nên những cầu nối ấy, rất cần những con người cần mẫn chắt chiu từng hạt ngọc quý, tham gia vào việc sưu tầm, nghiên cứu và phổ biến vốn văn hóa - văn nghệ dân gian của các tộc người trên mảnh đất Việt Nam thân yêu.
Là một trong những xuất bản phẩm của Dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam” mà Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chủ trì thực hiện, công trình “Nghề đánh cá thủ công xưa của ngư dân vùng biển Hoài Nhơn, Bình Định” (ảnh) do hai tác giả Trần Xuân Toàn - Trần Xuân Liếng biên soạn đã có những đóng góp đáng quý cho hành trình tìm hiểu, gìn giữ và bảo tồn những tri thức về một ngành nghề, một truyền thống văn hóa độc đáo của người Hoài Nhơn, Bình Định.
Với dung lượng 250 trang, ngoài lời nói đầu, sách được cấu trúc thành 7 chương và phần phụ lục. Nội dung của 7 chương sách đã khắc họa một cách rõ nét những đặc trưng của nghề đánh cá thủ công xưa của người dân vùng biển Hoài Nhơn. Ở chương 1, người đọc được tiếp xúc với những trang viết công phu, dày dặn, tập trung vào các nghề khơi, nghề lộng, nghề sông…
Sang những chương tiếp theo, chúng ta lại được biết thêm những vấn đề có liên quan mật thiết như phương tiện đánh bắt cá, hậu cần và cách chế biến hải sản ngày xưa, cách tìm phương hướng, cách đoán thời tiết, cách đo lường…
Để rồi, trong chương 7, người đọc nhận ra sự chuyển hóa những giá trị vật chất thành những giá trị văn hóa phi vật chất, thông qua việc tìm hiểu về tín ngưỡng, lễ hội và những điều kiêng kỵ trong nghề biển thời xưa của ngư dân Hoài Nhơn. Với các phần viết và đề mục được sắp xếp theo một tiến trình hợp lý, công trình đã làm sáng tỏ diện mạo văn hóa của ngành nghề đánh cá thủ công xưa như một phức thể văn hóa vật chất - tinh thần sống động.
Như vậy, 7 chương sách gắn kết trong một chỉnh thể lôgic, thống nhất đã phác họa được những nét cơ bản của một truyền thống văn hóa đáng nâng niu, lưu giữ. Đi vào nội dung cụ thể của từng chương, ngoài lượng kiến thức phong phú, người đọc còn có thể bắt gặp và đồng cảm cùng tình yêu truyền thống văn hóa người xưa của hai tác giả. Điều đó thể hiện trong những câu văn chân phác, lối viết sáng sủa, đảm bảo yêu cầu khoa học của một công trình nghiên cứu, nhưng ẩn sâu trong từng câu chữ là một tình yêu nồng đượm với vốn văn hóa truyền thống của cha ông.
Với thầy giáo - nhà nghiên cứu Trần Xuân Toàn, đây là công trình thứ ba của ông được xuất bản trong Dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam” [sau “Vè chàng Lía” (viết chung với Đặng Thị Bích Ngọc), và “Một số phương pháp điền dã sưu tầm văn học dân gian”]. Ngoài ý nghĩa khoa học, dưới góc độ cá nhân, công trình còn mang những ý nghĩa tình cảm, tinh thần đặc biệt đối với hai tác giả, khi họ vừa là bố con (tác giả Trần Xuân Liếng là cha của nhà nghiên cứu Trần Xuân Toàn), vừa là những “đồng nghiệp” trong hành trình tìm lại vốn cổ, lưu giữ truyền thống văn hóa - văn nghệ dân gian.
Hành trình nghiên cứu, lưu giữ và bảo tồn văn hóa ấy rất cần những tấm lòng và trí tuệ, sự góp sức của các nhà nghiên cứu, để bắt những nhịp cầu, nối từ bờ xưa đến cuộc sống ngày nay, và lưu giữ những ký ức cho mai sau.
LÊ MINH KHA