Nhân Ngày thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường 14.11:
Tăng cường quản lý bệnh tại cộng đồng
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét - các bệnh nội tiết tỉnh Phạm Văn Bảo, hơn 65% bệnh nhân đái tháo đường (ÐTÐ) không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hoạt động của các phòng tư vấn và câu lạc bộ (CLB) ÐTÐ đã góp phần cải thiện thực trạng này.
Hiện nay, 9/11 huyện, thị xã, thành phố đã có phòng tư vấn ĐTĐ, duy trì tốt công tác lập hồ sơ, quản lý, tư vấn và điều trị bệnh nhân mắc ĐTĐ và tiền đái tháo đường (TĐTĐ) sau sàng lọc. Trong 9 tháng đầu năm 2013, 2.872/3.442 bệnh nhân sau sàng lọc được quản lý, tư vấn và điều trị. Bên cạnh đó, đã có 5 CLB ĐTĐ được thành lập ở Quy Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ và Hoài Nhơn.
Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi
Tháng 5.2013, ông P.C.N, 50 tuổi, ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn bị phát hiện mắc ĐTĐ với chỉ số đường huyết là 11,3mmol/l. Sau khi được điều trị tích cực, kết hợp với thay đổi chế độ sinh hoạt, chỉ sau một thời gian ngắn, chỉ số đường huyết đã được duy trì ổn định ở mức dưới 7mmol/l; lần kiểm tra tháng 11.2013, chỉ còn 6,4mmol/l.
Ông N. cho biết: “Được các bác sĩ ở phòng tư vấn ĐTĐ của Đội Y tế dự phòng huyện tư vấn, tôi thay đổi chế độ ăn uống, hạn chế đường, uống nhiều nước. Tôi còn nhờ người quen tìm dây khổ qua rừng nấu nước uống thường xuyên”. Đặc biệt, để giải phóng bớt năng lượng thừa, ông N. còn duy trì tập thể dục, chơi bóng chuyền đều đặn mỗi tuần 3 lần.
Ông N. là một trong số hàng trăm bệnh nhân ĐTĐ và TĐTĐ được 2 phòng tư vấn ĐTĐ ở Hoài Nhơn quản lý. 1 phòng đặt tại Trạm Y tế thị trấn Bồng Sơn, hoạt động định kỳ mỗi tháng 1 lần. Phòng còn lại mở cửa thường xuyên ở Đội Y tế dự phòng huyện (đặt ở thị trấn Tam Quan). Bên cạnh đó, bệnh nhân ĐTĐ còn có một “kênh” khác để được trang bị kiến thức về bệnh là CLB ĐTĐ Hoài Nhơn, với trên 150 thành viên. CLB sinh hoạt mỗi quý 1 lần, với các hoạt động tư vấn, xét nghiệm, nói chuyện chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm về thay đổi lối sống.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Nam, phụ trách các bệnh không lây nhiễm của Đội Y tế dự phòng Hoài Nhơn, thành công lớn nhất của CLB ĐTĐ là góp phần thay đổi nhận thức của người dân về căn bệnh này, ngày càng có nhiều người tự giác tham gia. “Qua những lần sinh hoạt, họ biết những người cùng mắc bệnh như mình đã thu nhận được gì khi thay đổi lối sống. Chính những “người thật việc thật” là phương tiện truyền thông hiệu quả nhất, giúp nhiều người nỗ lực duy trì lối sống tích cực. Nhiều người còn lập nhóm rủ nhau đi bộ, đi xe đạp để rèn luyện sức khỏe”, bác sĩ Nam chia sẻ.
Trong khi đó, được thành lập từ 22.11.2010, hiện nay CLB ĐTĐ huyện Tây Sơn có 60 thành viên sinh hoạt thường xuyên. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tây Sơn Huỳnh Bá Thịnh, đây là nơi tập hợp những người mắc bệnh, nhân viên y tế, người quan tâm đến bệnh ĐTĐ, phát huy khả năng sẵn có của mỗi người giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau để chữa trị bệnh. Quan trọng hơn là làm cho cộng đồng, xã hội cũng như các thành viên trong gia đình người ĐTĐ có những hiểu biết về bệnh để chia sẻ, giúp đỡ người bệnh tốt hơn.
Tiếp tục hướng về cơ sở
Theo bác sĩ Phạm Văn Bảo, bệnh ĐTĐ diễn tiến chậm, nhưng lại gây những biến chứng khó lường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. “Thời gian qua, hoạt động của các phòng tư vấn và CLB ĐTĐ đã mang lại hiệu quả đáng kể trong công tác quản lý bệnh nhân tại cộng đồng. Nhiều bệnh nhân TĐTĐ không diễn tiến lên ĐTĐ, bệnh nhân ĐTĐ duy trì đường huyết ổn định, đó là những đóng góp tuy lặng lẽ nhưng hết sức quan trọng của công tác y tế cơ sở”, bác sĩ Bảo khẳng định.
Tuy nhiên, các CLB ĐTĐ vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn. Bác sĩ Huỳnh Bá Thịnh phân tích: “Khó khăn nhất là kinh phí hạn hẹp, chủ yếu nhờ vào sự tài trợ của các nhà hảo tâm. Việc tham gia sinh hoạt chủ yếu là tự nguyện nên nhiều lúc khó tập hợp đông đủ thành viên. Một điểm đáng chú ý, việc tổ chức CLB chưa được quan tâm đúng mức và đồng bộ trên toàn tỉnh, nên thiếu sự liên kết, phối hợp học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau”.
Dù còn không ít khó khăn, nhưng các CLB ĐTĐ vẫn cố gắng duy trì hoạt động, hướng về cơ sở. Bác sĩ Nguyễn Văn Nam cho biết, thời gian tới, Đội Y tế dự phòng huyện sẽ tăng cường công tác vận động nguồn tài trợ, tổ chức nhiều hơn các đợt sinh hoạt của CLB ĐTĐ ở các vùng xa trung tâm. Hoạt động tư vấn, xét nghiệm sẽ được thực hiện ngay tại thôn, xóm.
“Ở một số xã, cán bộ cơ sở đã lồng ghép kiến thức về ĐTĐ vào nội dung sinh hoạt CLB không sinh con thứ 3. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kết hợp truyền thông trong hoạt động của Dự án phòng, chống tăng huyết áp, vì bệnh ĐTĐ thường đi liền với tăng huyết áp”, bác sĩ Nam cho hay.
NGUYỄN VĂN TRANG