Thực hiện pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em: Còn nhiều thách thức
Xâm hại trẻ em là vấn đề nóng của xã hội, được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Vừa qua, Ðoàn ÐBQH tỉnh đã giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh tại 3 cơ quan Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh, CA tỉnh.
Tỉnh đoàn và Sở LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức truyền thông, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em cho học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn).
Theo báo cáo của CA tỉnh, từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2019, Bình Định xảy ra 93 vụ xâm hại trẻ em với 123 đối tượng và 104 nạn nhân trẻ em. Nếu so với giai đoạn 2011 - 2015, thì giảm 39 vụ, giảm 76 đối tượng, giảm 60 trẻ em là nạn nhân bị xâm hại. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về liên quan đến trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp. 6 tháng đầu năm 2019, trong tỉnh đã xảy ra 22 vụ với 24 trẻ em bị xâm hại; cao hơn số vụ của từng năm trước đó. Trong số này, có 17 vụ là hành vi xâm hại tình dục trẻ em, tỷ lệ 80,1%.
Theo kiến nghị của Viện KSND tỉnh, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống xâm hại trẻ em, cần phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về giới, tình dục, về quyền của trẻ em một cách sâu rộng để qua đó trẻ và gia đình có ý thức tự giác đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em. Ðồng thời, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn pháp luật miễn phí khi cần thiết; bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em.
Viện trưởng Viện KSND tỉnh, ông Trần Văn Sang, cho biết, thời gian qua có 56/58 vụ liên quan đến xâm hại trẻ em với 60/62 bị can đã được Viện Kiểm sát giải quyết, đạt tỷ lệ 96,5%. Về phía TAND tỉnh, tổng số vụ án xâm hại trẻ em đã thụ lý là 70 vụ/80 bị cáo. Trong đó, đã xét xử 69 vụ/79 bị cáo, trả hồ sơ Viện KSND điều tra bổ sung 1 vụ.
Trao đổi về khó khăn của công tác phòng ngừa xâm hại trẻ em, đại tá Nguyễn Đức Nam, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết: “Đối tượng thường là người thân quen với nạn nhân, chưa có tiền án, tiền sự, chưa nằm trong diện quản lý nghiệp vụ của lực lượng CA. Một số đối tượng còn sử dụng phương tiện công nghệ, mạng xã hội để tiếp cận, dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân nên rất khó phát hiện”.
Viện trưởng Viện KSND tỉnh phân tích thêm: Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là tội phạm ẩn; đa số các vụ việc bị phát hiện qua đơn tố cáo của người nhà bị hại. Có rất nhiều trường hợp, gia đình lưỡng lự trong cách giải quyết do lo sợ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ dẫn đến trình báo muộn, không biết cách thu giữ vật chứng để giao nộp cho cơ quan chức năng, vô tình tạo điều kiện cho người thực hiện hành vi phạm tội đủ thời gian xóa dấu vết. Sự phối hợp của các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ để có kết quả chính xác, giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ quyết định giải quyết vụ việc.
Trong khi đó, đại diện TAND tỉnh cho rằng: Khung hình phạt của một số tội danh liên quan đến xâm hại trẻ em chưa đủ nghiêm khắc, chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, chưa có kế hoạch đào tạo về tâm lý học, khoa học giáo dục người dưới 18 tuổi cho cán bộ thẩm phán để giải quyết hiệu quả các vụ án có liên quan đến người chưa thành niên, trong đó có nhóm tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Mặt khác khái niệm “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 được xem là phù hợp với thực trạng xã hội. Tuy nhiên, đến nay, liên ngành Trung ương vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”. Điều này trở thành rào cản cho cơ quan CA tỉnh, Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh trong quá trình thực hiện pháp luật phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.
Bà Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, cho rằng: “Thông qua hoạt động giám sát, một số vấn đề nổi lên như: Các văn bản hướng dẫn dưới luật chưa nhanh, chưa cụ thể; công tác phòng ngừa, giáo dục, quản lý, phát hiện tố giác tội phạm còn nhiều điểm bất cập. Thêm vào đó, còn nhiều “điểm mờ” liên quan đến nạn chăn dắt trẻ em; việc ngăn chặn phim “đen” trên internet, trên mạng xã hội; tội phạm xâm hại trẻ em là người nước ngoài. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các thông tin liên quan từ các vụ việc để làm cơ sở kiến nghị lên Ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong kỳ họp tới”.
NGUYỄN MUỘI