Du lịch Quy Nhơn - Bình Định từ chia sẻ của một chuyên gia
GS Simon Milne, giảng viên Trường ÐH Công nghệ Auckland, Giám đốc Viện Nghiên cứu Du lịch New Zealand, thốt lên rằng: “Tôi đã đặt chân đến nhiều nơi, nhưng chưa có thành phố nào như Quy Nhơn, từ những đứa trẻ nhỏ tôi gặp ở công viên hay những người lớn đều vẫy tay, cười với tôi. Sự thân thiện của cư dân thành phố là tài sản quý để các bạn phát triển du lịch”.
Quy Nhơn - biển nhớ, một hình ảnh độc đáo trong việc quảng bá du lịch Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Trong 2 tuần lưu lại ở Quy Nhơn để giảng dạy cho lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, GS Simon Milne đã chia sẻ ấn tượng này khá nhiều lần, với nhiều biểu hiện thích thú khác nhau. Ông nói: “Quy Nhơn - Bình Định của các bạn đang sở hữu nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch. Đó là bãi biển xinh đẹp, là nụ cười thân thiện của những cư dân thành phố, là Bảo tàng Tổng hợp tỉnh với những hiện vật quý giá, là Khu đô thị khoa học Quy Hòa tuyệt đẹp đang thành hình. Nguồn tài nguyên của các bạn còn cực kỳ quý giá ở chỗ chúng có thể kết nối liền mạch từ quá khứ xa xôi tới hiện tại và có thể phác họa tương lai cho thành phố đáng mến này”.
Kết thúc mỗi buổi học, GS Simon Milne đều dành thời gian khám phá Quy Nhơn, ông cảm nhận Quy Nhơn trong góc nhìn của du khách và cả từ góc độ của một chuyên gia du lịch.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia, GS Simon Milne khẳng định, Quy Nhơn - Bình Định có khá nhiều những tài nguyên du lịch chỉ riêng nơi này mới có, không thể tìm thấy ở nơi khác. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là sự nghèo nàn trong việc kiến tạo sản phẩm du lịch khiến du lịch Quy Nhơn - Bình Định chỉ mới sử dụng một phần rất nhỏ bé vốn quý của mình.
“Ở các điểm mà tôi có dịp đến như Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, di tích Tháp Đôi, tháp Bánh Ít, danh thắng Eo Gió, làng chài Nhơn Lý, làng nón ngựa Phú Gia… điều mà tôi rất tiếc là các bạn chưa kể được những câu chuyện đằng sau các hiện vật đó, chưa kết nối những giá trị ấy sao cho liền mạch. Giá trị của một điểm đến, một hiện vật không phải là bản thân nó mà còn gắn với câu chuyện đằng sau đó nữa. Đó chính là điều du khách dù họ đến từ bất cứ nơi nào, đều muốn nghe. Rất tiếc là các bạn gần như không kể gì cho du khách nghe, hoặc những câu chuyện của các bạn thường rất ngắn và cạn, chúng chỉ mới chạm đến phần vỏ rất mỏng bên ngoài. Các bạn nên xây dựng chúng thành những kịch bản gồm nhiều câu chuyện, kết nối chúng lại để giữ cảm xúc, sự tò mò, nét thú vị ở du khách luôn liền mạch trong suốt hành trình”, GS Simon Milne trò chuyện với nhóm chúng tôi.
GS Simon Milne dành khá nhiều thời gian để chia sẻ cảm nhận cá nhân, và gần như đã tư vấn một phác thảo khá toàn diện liên quan đến phát triển Bảo tàng Tổng hợp tỉnh thành sản phẩm du lịch rất hữu ích. Với du khách, đặc biệt là khách quốc tế, theo ông, khi tìm hiểu một vùng đất, lựa chọn đầu tiên của họ là đến Bảo tàng địa phương. Ở đó có đầy đủ tư liệu, hiện vật trưng bày để thể hiện được về đất nước, con người và văn hóa của nơi đó. Đó là dấu nối tốt nhất, đầy đủ nhất để người ta khám phá một vùng đất trong suốt chiều dài lịch sử. Song, hơn 1.000 tư liệu, hiện được trưng bày tại Bảo tàng không được thổi hồn bằng những câu chuyện. Thậm chí, thông tin giới thiệu của Bảo tàng trên những hình ảnh quảng bá về du lịch của tỉnh còn khá ít ỏi.
GS Simon Milne (giữa) cùng học viên lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch đi thực tế tại di tích tháp Dương Long (Tây Sơn).
Thậm chí, với thao tác chuyên nghiệp, GS Simon Milne khảo sát nhanh và đưa ra kết quả. Ông kể, khi có ý định tìm hiểu Bảo tàng Tổng hợp tỉnh bằng tiếng Anh, tôi gõ tìm kiếm trên Google, song chỉ nhận được những kết quả về các điểm đến tương tự Bảo tàng; chỉ 7 ý kiến đánh giá của du khách liên quan đến Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Một con số quá đỗi bất ngờ. Khi đặt chân đến Bảo tàng, tôi thật sự choáng váng trước những hiện vật trưng bày nơi đây. Chúng tuyệt đẹp và quý giá. Song, tôi tin chắc, tôi chưa thể biết chúng quý hiếm đến cỡ nào, bởi lượng thông tin về các hiện vật do Bảo tàng cung cấp quá nghèo nàn, ít ỏi. “Các bạn đang bỏ quên một sản phẩm du lịch vô giá. Đó chính là nơi mà thu hút khách du lịch mùa thấp điểm nếu các bạn làm tốt hơn”, GS Simon Milne tiếc nuối.
Thêm nữa, khi khai thác du lịch Quy Nhơn - Bình Định, việc tạo dựng hình ảnh, chọn hình ảnh để quảng bá chưa thực sự hấp dẫn. Quy Nhơn - biển nhớ, đó là một hình ảnh đẹp đi vào thơ ca, nhạc họa, tại sao các bạn không sử dụng hình ảnh đó để marketing (tiếp cận khách hàng) cho thành phố này? - GS Simon Milne chỉ ra.
Dọc dài dải đất miền Trung này, nơi nào cũng có biển, thế nhưng “biển nhớ” thì chỉ có một mà thôi - Quy Nhơn. Nếu nói Quy Nhơn thân thiện, hình ảnh nào để các bạn “marketing” cho điều đó. Có thể là nụ cười hồn nhiên của những đứa trẻ, nụ cười hào sảng của những người lớn ở thành phố này được không?
Tôi đặt một câu hỏi với GS Simon Milne rằng: “Quy Nhơn - Bình Định sẽ xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện, với việc dành ưu tiên bãi biển và không gian xanh cho cộng đồng. Việc marketing hình ảnh này như thế nào để thu hút khách?”. “Giữ lại bãi biển xinh đẹp, giữ lại nụ cười trong sáng, hồn nhiên của những đứa trẻ. Đừng đánh đổi số lượng khách để tăng doanh thu mà hãy chọn cách phát triển bền vững, tăng chi tiêu của từng du khách thay vì tăng số lượng khách dẫn tới sự quá tải du lịch. 10 năm, 20 năm và mãi mãi về sau tôi vẫn mong muốn hình ảnh bãi biển xinh đẹp này và nụ cười của những đứa trẻ này vẫn còn hiện diện ở Quy Nhơn”, GS Simon Milne bật điện thoại và khoe hình ảnh chụp biển Quy Nhơn trong lúc đi dạo, kết thúc buổi học bằng một chia sẻ thân tình như thế.
THU DỊU