Chăm sóc rốn để hở ở trẻ sơ sinh:
An toàn, nhiều tiện ích
Việc băng kín rốn trong chăm sóc trẻ sơ sinh được khuyến cáo có thể hình thành ổ chứa vi khuẩn và làm rốn chậm lành. Trên thực tế, tại nhiều khoa Sản, khâu chăm sóc trẻ sơ sinh được thực hiện tốt, nhưng vấn đề để hở rốn vẫn chưa được chú trọng.
BVĐK khu vực Bồng Sơn đã tiến hành nghiên cứu đánh giá phương pháp chăm sóc rốn để hở ở trẻ sơ sinh tại khoa Sản của Bệnh viện trong sự so sánh hiệu quả với băng kín rốn. Theo Điều dưỡng trưởng BVĐK khu vực Bồng Sơn Huỳnh Thị Vy Xuyên, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, tỉ lệ bệnh tật và tử vong của trẻ sơ sinh phụ thuộc rất nhiều vào việc chăm sóc nuôi dưỡng trong thời gian đầu sau sinh, đặc biệt là chăm sóc rốn.
Trong chăm sóc rốn ở trẻ sơ sinh, kỹ năng và biện pháp xử lý nhiễm trùng rốn là hết sức quan trọng. Thông thường, rốn của bé sẽ rụng tự nhiên sau 6-10 ngày tuổi. Nếu trong thời gian này, rốn không được chăm sóc hoặc chăm sóc không đúng cách rất dễ bị nhiễm trùng. Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời, nhiễm trùng rốn lan rộng trở thành nhiễm trùng huyết, có thể gây tử vong.
Nhiều phụ huynh cho trẻ mang băng rốn quá kín, kéo dài 2-3 tháng mới mở ra... ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Vì thế, nhân viên y tế cần tư vấn hướng dẫn gia đình trong chăm sóc trẻ tại nhà. Theo đó, luôn để rốn khô thoáng, không đắp bất kỳ chất gì như tiêu, tỏi, sữa, đất... Tháo băng rốn, để rốn hở, tiếp xúc không khí, tránh che đậy rốn, mang băng thun rốn dễ gây mủ rốn và rốn hôi; hạn chế sờ vào cuống rốn và vùng quanh rốn. Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi thấy có bất kỳ dấu hiệu viêm nhiễm ở rốn hoặc quanh vùng rốn.
“Dây rốn bình thường gồm một bao xơ bên ngoài, mô liên kết nhầy một tĩnh mạch và hai động mạch. Sau khi thai nhi được đưa ra khỏi bụng mẹ, các bác sĩ sẽ cắt, kẹp và băng rốn trẻ lại. Do hiện tượng hoại tử khô của các mô trên và hiện tượng bốc hơi khô đi của mô nhầy, việc để hở rốn sau khi mở kẹp barr là rất cần thiết”, điều dưỡng Huỳnh Thị Vy Xuyên cho biết thêm.
Kết quả nghiên cứu trên 1.385 trẻ sơ sinh cho hai nhóm chăm sóc rốn tại khoa Sản BVĐK khu vực Bồng Sơn từ cuối năm 2011 đến cuối năm 2012 cho thấy, tỉ lệ lành rốn trẻ sơ sinh trên hai phương pháp thay băng để hở rốn và kín rốn là tương đương nhau, không có tình trạng rốn nhiễm trùng phải cấy vi khuẩn. Tuy nhiên, phương pháp chăm sóc băng kín rốn cần có nhiều bộ dụng cụ, sau mỗi lần thay băng phải xử lý tiệt khuẩn lại, gửi hấp, bảo quản khó khăn hơn. Trong khi đó, phương pháp rốn để hở cần ít dụng cụ, dễ dàng sử dụng, thuận tiện và chi phí ít hơn.
Vì thế, khuyến cáo được đưa ra là không nên quấn kín rốn trẻ sơ sinh mà mở kẹp rốn sau 24-48 giờ, khi mặt cắt rốn khô, nên để hở rốn và tã trẻ được gấp dưới rốn. Có thể áp dụng que tăm bông thay băng trong các vết thương vô khuẩn, vết mổ nội soi…
NGUYỄN HOÀNG