Những nghệ sĩ ưu tú thầm lặng
Ðợt phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần 9 - 2019 vừa rồi, Bình Ðịnh có 4 nghệ sĩ được vinh danh. Mỗi người có thế mạnh riêng, nhưng tựu trung, họ đều thầm lặng cống hiến hết mình cho nghệ thuật truyền thống.
NSƯT Hoài Nam (bên trái) trong vở “Lời ru hai người mẹ”.
Đợt phong tặng lần này, nghệ sĩ duy nhất của Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định là diễn viên Nguyễn Thành Nam (nghệ danh Hoài Nam) được vinh danh Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT).
Là diễn viên đã “chín” nghề nên anh luôn biết cách vận dụng nhuần nhuyễn điệu bộ tuồng để diễn tả hành động, cảm xúc khiến vai diễn sinh động, hấp dẫn hơn. Đồng nghiệp và bạn bè thêm phần quý mến nghệ sĩ Hoài Nam bởi sự ân cần, hết lòng của anh. Nhiều lần, anh không ngần ngại nhập vai phụ diễn, thị phạm cho các diễn viên trẻ trong các cuộc thi tài năng trẻ mà họ tham gia. Với lớp trẻ, những diễn viên như NSƯT Hoài Nam vừa là đồng nghiệp, bạn diễn, vừa là những người thầy đáng kính.
“NSƯT Hoài Nam là người luôn cháy hết mình với nghề, sống rất tình cảm. Chú Nam luôn hỗ trợ, giúp đỡ cho thế hệ trẻ rất nhiều nên luôn được anh em, con cháu trong đoàn yêu quý. Trong đợt thi Tài năng trẻ năm 2017, tôi đã được chú Nam phụ diễn. Cũng chính chú hướng dẫn thêm cách diễn cho mình làm tôi hết sức cảm động”, nghệ sĩ trẻ Sử Thành Việt chia sẻ.
NSƯT Đào Trung Nghĩa.
Trong đợt này, sau bao năm lặng lẽ cống hiến, nghệ sĩ Đào Trung Nghĩa của Nhà hát tuồng Đào Tấn đã được vinh danh NSƯT. Tiếp xúc với anh, dễ nhận thấy một con người cần mẫn và trách nhiệm. Trung Nghĩa chơi nhuần nhuyễn các nhạc cụ trống, organ, đàn nguyệt. Nhiều năm nay anh đảm nhận vai trò là người chỉ huy dàn nhạc của Nhà hát tuồng Đào Tấn. Vị trí này không chỉ phải hiểu nhạc lý, nắm bắt lời thoại, lớp diễn của diễn viên, bao quát hậu đài, cảnh trí mà còn phải quán xuyến các thành viên trong ban nhạc để có cách điều chỉnh phù hợp. Những năm gần đây, nhiều kịch mục quan trọng của Nhà hát luôn có sự đóng góp quan trọng của anh và dàn nhạc. Có thể kể đến các vở diễn đoạt HCV tại các cuộc thi, hội diễn sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc như: Hồn Việt (2010), Sao Khuê trời Việt (2015), Nước non cửa Phật (2016)…
Với vai trò cá nhân, nghệ sĩ Đào Trung Nghĩa cũng đã gặt hái được những thành công nhất định. Năm 2014, với tiết mục song tấu bộ gõ Nhịp phách tương giao, anh cùng với nhạc công Ðinh Văn Công đã giành HCV trong Liên hoan Ðộc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Năm 2017, với tiết mục độc tấu trống Vượt sóng ra khơi tại Liên hoan Ðộc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc, một lần nữa anh lại đoạt HCV.
Có lần, tôi hỏi anh, khi thưởng thức một vở diễn, đa phần khán giả đều hướng về sân khấu, dõi về phía diễn viên và tán thưởng mỗi khi diễn viên hát hay, múa đẹp, ít ai chú ý đến nhạc công, dàn nhạc, có khi nào anh thấy đó là một thiệt thòi không? Anh cười sảng khoái, thẳng thắn: Mình chưa bao giờ băn khoăn điều đó. Vì khi lựa chọn công việc này mình đã xác định đặc thù công việc của mình là như thế. Vở diễn được khán giả tán thưởng, được đồng nghiệp chia sẻ là mình cũng thấy ấm lòng rồi. Nhạc công còn xuất hiện ở buổi biểu diễn chứ các họa sĩ chẳng hạn, họ lẩn khuất còn sâu hơn đấy!
Nghệ sĩ Đình Trương vào vai Vương Thông trong vở “Sao Khuê trời Việt “ (ảnh nhân vật cung cấp).
Đợt phong tặng NSƯT lần này, nghệ sĩ Đình Trương đã được vinh danh sau nhiều năm thầm lặng cống hiến. Đình Trương là người chuyên vai phản diện trong các kịch mục chính của Nhà hát tuồng Đào Tấn. Năm 2016, anh tạo dấu ấn đậm nét qua vai diễn Văn Quan, một văn thần phản trắc cơ hội. Trong Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016, nghệ sĩ Đình Trương đã xuất sắc đạt HCV với vai diễn này. Trong Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2019, HCV với vai đô thống Nguyễn Thiện trong vở Quan khiêng võng một lần nữa khẳng định khả năng nhập vai tuyến phản diện của nghệ sĩ Đình Trương.
Trong nhiều vở diễn, vai chính diện mới thường được các đạo diễn chăm chút, để lại nhiều thiện cảm cho người xem hơn tuyến vai phản diện. Nhưng nghệ sĩ Đình Trương không lấy đó làm buồn bởi anh quan niệm rằng mỗi người khi đến với nghệ thuật đều có một sở trường riêng, đó như là cái duyên trời cho vậy. Qua từng vai diễn, anh luôn nhập tâm và thể hiện hết sức mình, lấy niềm ghét của khán giả với nhân vật mình hóa thân thành động lực. “Bởi lẽ, người ta ghét nhân vật mình đóng, có nghĩa là mình đã diễn đạt rồi. Điều đó phần nào làm mình thấy ấm lòng hơn rất nhiều”- nghệ sĩ Đình Trương chia sẻ.
NSƯT Nguyễn Đức Khanh (giữa) trong vở “Quan khiêng võng”.
Một trong các nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Đào Tấn lần này được phong tặng NSƯT có nghệ sĩ Nguyễn Đức Khanh. Anh công tác tại Nhà hát tuồng Đào Tấn từ năm 1997, thường đóng kép xanh, kép xéo, kép rằn. Đây là những vai đòi hỏi vũ đạo, điệu bộ nhiều trên sân khấu. NSƯT Nguyễn Đức Khanh tâm sự: “Để diễn tốt cần phải biết rõ về sở trường của chính mình. Diễn tuồng, nhất là tuồng cổ, điển cố điển tích rất nhiều để diễn đạt cần phải hiểu rõ nghĩa để phối hợp với bạn diễn tốt hơn. Ngoài việc tự tìm hiểu, tôi còn học hỏi nhiều từ lớp đàn anh, đàn chị để làm giàu vốn nghề của mình”. NSƯT Nguyễn Đức Khanh để lại ấn tượng với nhiều vai diễn như: Mạnh Lương (trong trích đoạn Mạnh Lương bắt ngựa), vai Châu Thương (vở Cổ thành), vai Trịnh Ân (vở Trảm Trịnh Ân), vai Nguyên Hãn (vở Sao Khuê trời Việt)... Nhắc đến danh hiệu NSƯT vừa được nhận, lời chia sẻ của nghệ sĩ Nguyễn Đức Khanh cũng tương tự như các nghệ sĩ tại Bình Định được vinh danh lần này: “Được nhận quyết định phong tặng danh hiệu NSƯT của Chủ tịch nước là một điều vinh dự, hạnh phúc và tôi thấy mình may mắn hơn nhiều đồng nghiệp. Nhưng cũng từ đây bản thân phải cố gắng phấn đấu hơn nữa, không được thỏa mãn để thế hệ đàn em thấy mình đón nhận danh hiệu là xứng đáng và phấn đấu theo bước đường hoạt động nghệ thuật”.
VÂN PHI - THẢO KHUY