Ðào tạo công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức:
Chưa được quan tâm đúng mức
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động của các cơ quan nhà nước (CQNN) ở tỉnh ta đang được đẩy mạnh, song việc triển khai các dự án CNTT còn vướng nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân lớn là do trình độ CNTT của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) trong tỉnh chưa đồng đều, còn nhiều hạn chế, nhất là ở các huyện và xã. Trong khi đó, công tác tập huấn, đào tạo, bổ sung kiến thức CNTT cho CBCC chưa được quan tâm đúng mức.
Theo thống kê của Sở TT-TT, hiện toàn tỉnh có hơn 2.900 CBCC của 159 xã, phường, thị trấn. Trừ một số xã, phường trên địa bàn TP Quy Nhơn, còn lại trên địa bàn các huyện, thị xã, hầu hết các cán bộ, công chức cấp xã còn thiếu những kỹ năng cơ bản về CNTT, máy tính, internet; đa số vẫn thực hiện các công việc hành chính theo phương thức thủ công. Điều này làm cho việc triển khai các ứng dụng CNTT trong các CQNN còn chậm so với kế hoạch, làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng mô hình chính quyền điện tử các cấp.
Đầu tư đào tạo kiến thức CNTT cho CBCC sẽ góp phần đẩy nhanh lộ trình ứng dụng CNTT trong các CQNN.
- Trong ảnh: Ứng dụng CNTT tại Trung tâm Giới thiệu việc làm-Sở LĐ-TB-XH. Ảnh: VĂN LƯU
Hàng năm, theo kế hoạch chương trình ứng dụng CNTT của tỉnh, có một phần kinh phí để tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng nhằm bổ sung kiến thức CNTT cho đội ngũ CBCC của tỉnh, song mức kinh phí này khá khiêm tốn. Trong năm 2013, chỉ có hơn 10 lớp tập huấn về CNTT được tổ chức cho khoảng gần 300 CBCC. Tuy nhiên, phần lớn các lớp này lại nằm trong dự án triển khai hệ thống văn phòng điện tử cho 9 đơn vị trong tỉnh, và 1 lớp nâng cao kiến thức bảo mật hệ thống, an ninh mạng cho đội ngũ quản trị mạng của các sở, ngành; còn CBCC tại các đơn vị khác, nhất là các huyện, xã đều không có cơ hội tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ CNTT. Như vậy, số lượng lớp đào tạo hàng năm về CNTT còn quá ít so với nhu cầu thực tế và thực trạng năng lực ứng dụng CNTT của CBCC trong tỉnh.
Theo lộ trình phát triển và ứng dụng CNTT của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015, phấn đấu đến năm 2015, 100% CQNN thuộc UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố sẽ được triển khai hệ thống văn phòng điện tử, đẩy mạnh công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ của CQNN để hướng đến chính quyền điện tử. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, trình độ và kỹ năng CNTT của đội ngũ CBCC còn nhiều hạn chế là một trong những trở ngại lớn trong việc triển khai các dự án CNTT. Đồng thời, đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT ở cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ nên công tác tham mưu về triển khai các chương trình kế hoạch ứng dụng CNTT tại nhiều địa phương chưa đạt hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Chí Cường-Giám đốc Sở TT-TT, cho biết: “Đến nay, việc triển khai văn phòng điện tử nói chung và các dự án CNTT tại một số đơn vị trong tỉnh không đúng như kỳ vọng và kế hoạch đã đề ra. Nguyên nhân quan trọng nhất là trình độ CNTT của đội ngũ CBCC ở một số sở và huyện còn hạn chế. Đây là một trong những trở ngại lớn khiến cho lộ trình triển khai các dự án CNTT bị ảnh hưởng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất, tham mưu UBND tỉnh nâng cao mức đầu tư cho việc đào tạo, nâng cao kỹ năng, năng lực CNTT cho CBCC, nhất là đội ngũ CBCC ở cấp huyện, xã, thị trấn. Bên cạnh đó, lãnh đạo của một số đơn vị cũng phải quyết tâm để đẩy mạnh triển khai các ứng dụng CNTT và quan tâm hơn đến việc nâng cao năng lực CNTT cho CBCC ở đơn vị mình”.
Có thể thấy, hoạt động ứng dụng CNTT trong các CQNN ở tỉnh ta trong thời gian gần đây cũng đã có một số chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nếu không quan tâm đến việc nâng cao năng lực CNTT cho đội ngũ CBCC thì đích đến của việc xây dựng chính quyền điện tử sẽ còn xa.
MAI HỒNG