Khổ vì thiếu nước sinh hoạt
Thời gian qua, hàng nghìn hộ dân thuộc các xã trên địa bàn huyện Tây Sơn luôn phải sống trong tình trạng bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Cuộc sống chật vật, người dân mong muốn các ngành chức năng sớm có biện pháp giải quyết để được dùng nguồn nước hợp vệ sinh.
Hệ thống cấp nước sinh hoạt Phú Phong hoạt động hết công suất nhưng vẫn không cung cấp đủ cho nhu cầu của người dân.
Nhiều nơi thiếu nước
Nhiều năm nay, ngoài 1/2 thôn Phú Hiệp được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước sinh hoạt Phú Phong, thì các thôn còn lại của xã Tây Phú với hàng trăm hộ dân luôn trong tình trạng ngóng nước sạch. Chỉ tay vào căn nhà mới xây, nhưng từ nền nhà cho đến các vật dụng đều bị vàng hoe do nước phèn ngấm vào, chị Nguyễn Thị Nở (thôn Phú Thọ, xã Tây Phú) bày tỏ: “Nước ở khu vực này bị nhiễm phèn nặng. Tôi mới thuê thợ đến đào thêm cái giếng ở vị trí khác nhưng khoan xuống tới 9 m vẫn thấy phèn nên đành bỏ cuộc. Hàng ngày, nhà tôi phải mua nước bình để nấu ăn, mỗi tháng tốn gần 500 nghìn đồng. Còn tắm, giặt thì qua nhà người quen ở thôn khác xin. Việc dùng nước phải tiết kiệm, dè xẻn từng chút nên cuộc sống hết sức bất tiện”.
Theo UBND huyện Tây Sơn, tổng số hộ dân trên địa bàn huyện thiếu nước sinh hoạt khoảng 2.450 hộ/8.250 người, tập trung ở các địa phương: Bình Nghi 633 hộ/2.536 người, Bình Hòa 579 hộ/1.358 người, Tây Giang 540 hộ/1.990 người, Bình Thuận 215 hộ/689 người, Tây An 187 hộ/542 người…
Không chỉ Tây Phú, tình hình nguồn nước ngầm bị ô nhiễm và nhiễm phèn nặng cũng xảy ra tại các xã Bình Thành, Bình Tân.
Theo ông Nguyễn Công Minh, Chủ tịch UBND xã Bình Thành, hàng năm vào mùa nắng nóng có khoảng 150 hộ dân trên địa bàn xã bị thiếu nước sinh hoạt, nhưng năm nay con số này đã tăng vọt lên 400 hộ, tập trung ở các thôn Phú Lạc, Kiên Long, Kiên Ngãi, An Dõng. “Từ khi hệ thống kênh tưới Văn Phong đi vào hoạt động, tình trạng thiếu nước trên địa bàn xã mới xảy ra gay gắt, nhiều giếng nước bị cạn, do mọi mạch nước đều chảy ra kênh; chỉ khi nào nước trong kênh đạt mức cao trình thì giếng mới có nước”, ông Minh nhận định.
Tương tự, tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt tại xã Bình Tân cũng đã diễn ra nhiều năm nay, nặng nhất là khu vực xóm Trung, xóm Tây (thôn Thuận Hòa), do nước bị nhiễm phèn; thôn Phú Hưng, do bị ô nhiễm từ hoạt động sản xuất tinh bột mì; thôn M6, Thuận Ninh, Mỹ Thạch, An Hội cùng bị thiếu nước vào mùa khô. Ông Nguyễn Thanh Điền, Chủ tịch UBND xã Bình Tân, cho biết: “Toàn xã hiện có khoảng 600 hộ dân bị thiếu nước sạch, vào mùa khô con số này tăng gấp rưỡi. Giờ đi đâu, tôi cũng nghe bà con than thở về chuyện nước ít, nước phèn. Cuộc sống, sinh hoạt của bà con vì thế khó khăn hơn rất nhiều”.
Nguồn nước ở thôn Phú Thọ, xã Tây Phú bị nhiễm phèn nặng, người dân không thể sử dụng được.
Cung không đủ cầu
Ông Đỗ Thanh Xuân, Trưởng Ban quản lý Cấp thoát nước huyện Tây Sơn, cho biết: Đơn vị đang quản lý 2 công trình cấp nước là Hệ thống cấp nước sinh hoạt Phú Phong và Hệ thống cấp nước M6 (Bình Tân) để cấp nước sạch cho các xã Bình Tân, Tây Phú, Tây Xuân và thị trấn Phú Phong. Ngoài ra, đơn vị còn mua nước từ Công trình cấp nước tập trung Vĩnh An - Bình Tường (thuộc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh) để bán lại cho người dân 2 xã trên. Do một số khu dân cư ở xa đường ống dẫn nước, nhu cầu sử dụng nước vào mùa nắng nóng tăng cao nên xảy ra tình trạng thiếu hụt nước sinh hoạt. Hiện tại, tình hình nước sạch trên địa bàn huyện hết sức căng thẳng, cung không đủ cầu. Riêng Hệ thống cấp nước sinh hoạt Phú Phong trước kia công suất 1.600 m3/ngày đêm, nay phải tăng lên 2.000 m3/ngày đêm, hoạt động 24/24 giờ để đảm bảo cấp nước sạch cho 3.900 hộ. Đồng thời, Hệ thống cấp nước M6, lấy nước tự chảy cung cấp cho 133 hộ ở làng M6 (xã Bình Tân) được xây dựng từ khá lâu, không còn đảm bảo đủ công suất, đường ống dẫn nước lại hay bị nghẹt.
Ông Đỗ Thanh Xuân cho hay: “Trước tình hình đó, UBND huyện đã xin chủ trương và được UBND tỉnh đồng ý sắp tới sẽ nâng công suất Hệ thống cấp nước sinh hoạt Phú Phong lên 2.900 m3/ngày đêm. Ngoài ra, huyện cũng đã quy hoạch một số nhà máy cấp nước tại các địa phương như: Bình Nghi (đã được phê duyệt, hơn 13.500 người dân được hưởng lợi); nhà máy cấp nước Văn Phong (hơn 17.500 người dân 2 xã Bình Thành và Bình Hòa được hưởng lợi); nhà máy cấp nước An Chánh (hơn 16.800 người dân các xã Tây Bình, Tây Vinh, Tây An hưởng lợi); nhà máy cấp nước Thuận Ninh (hơn 13.400 người dân 2 xã Bình Tân và Bình Thuận hưởng lợi). Sau khi các dự án này được các ngành chức năng phê duyệt và cấp kinh phí xây dựng sẽ giải tỏa nhu cầu nước sạch cho người dân trên địa bàn huyện”.
Ông Hồ Thành Phi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: “Ngoài tuyên truyền người dân chia sẻ và sử dụng nước tiết kiệm, chúng tôi chỉ đạo các xã, thị trấn có công trình cấp nước (giếng khoan, giếng đào) đã đầu tư để chống hạn những năm trước đây, tổ chức nạo vét, thổi rửa, vệ sinh để cấp nước sinh hoạt cho người dân và có kế hoạch vận chuyển nước cấp cho người dân ở những khu vực thiếu nước không khắc phục tại chỗ được. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, về lâu về dài, UBND huyện rất mong các sở, ngành và UBND tỉnh xem xét phê duyệt xây dựng các nhà máy cấp nước trên địa bàn huyện để giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho dân”.
HỒNG PHÚC