Phổ biến, giáo dục pháp luật:
Kinh phí hạn hẹp, cán bộ kiêm nhiệm
Kết quả kiểm tra một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh về việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2013 của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh mới đây cho thấy, bên cạnh những mặt đạt được, công tác này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế mà nguyên nhân là thiếu kinh phí và cán bộ chuyên trách.
Cán bộ kiêm nhiệm
Số lượng văn bản pháp luật được ban hành ngày càng nhiều, nội dung đa dạng, phức tạp, trong khi đó, việc xác định và phân công trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành phổ biến, tuyên truyền pháp luật còn nhiều hạn chế đã khiến công tác này không đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân của tình trạng này còn là do đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở nhiều nơi còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, bởi đa phần làm công tác kiêm nhiệm.
Đơn cử như Sở LĐ-TB&XH hiện có 2 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và 1 cán bộ pháp chế nhưng đều là công chức của các phòng chuyên môn kiêm nhiệm công tác PBGDPL. Hay như huyện Vân Canh, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện có 26 thành viên nhưng đều là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, họ vừa làm công tác chuyên môn vừa là báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Và để phát huy tối đa công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân, huyện tập trung phát triển đội ngũ cơ sở, song lực lượng này cũng kiêm nhiệm nhiều việc như tư pháp hộ tịch, hòa giải viên.
Còn đối với ngành Giáo dục, hình thức tuyên truyền pháp luật của các trường hiện nay chủ yếu là tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, bổ sung đầu sách, khai thác tủ sách pháp luật, thông qua các bản tin, trạm tin nội bộ. Song nhìn chung, nội dung các bản tin còn khô, nội dung biên soạn cứng nhắc trên cơ sở bám sát văn bản pháp quy, nên không tạo được sự hứng thú tiếp thu đối với cả hai đối tượng: người dạy và người học. Hơn nữa, lãnh đạo một số trường học chưa nhận thức đúng mức về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL, một số thầy cô giáo chưa qua đào tạo môn Giáo dục công dân nhưng vẫn được phân công để dạy nên chất lượng tiết học không cao. Ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: “Thời gian qua, Sở chưa có cán bộ pháp chế hoặc chuyên trách thực hiện công tác PBGDPL mà chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, nên việc tập trung cho công tác này còn hạn chế. Hiện cơ quan mới tuyển một công chức chuyên ngành Luật nhưng chưa có kinh nghiệm trong công tác này”.
Thiếu kinh phí
Hiện kinh phí mà huyện Tuy Phước dành cho công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn huyện là 40 triệu đồng/năm. Trong đó, dự trù chi tổ chức hội nghị và tập huấn cho hòa giải viên, tuyên truyền viên, bổ sung đầu sách pháp luật chiếm hơn 2/3 tổng số chi phí. Kinh phí cho công tác này ở cấp xã là khoảng 10 triệu đồng/ năm; vì nguồn kinh phí có hạn nên hình thức tuyên truyền chủ yếu vẫn là hội họp. Ông Phạm Tích Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, nhận xét: “Thực tế, ai cũng biết công tác PBGDPL là quan trọng, gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong đó, hình thức PBGDPL bằng sân khấu hóa được xem là mang lại hiệu quả thiết thực nhất hiện nay, nhưng do kinh phí hạn hẹp, nên đành chọn hình thức hội nghị cho “nhẹ nhàng”. Hiện một số xã trên địa bàn huyện như Phước An, Phước Hưng, Phước Lộc có sử dụng hình thức này nhưng không thường xuyên mà 2 năm mới tổ chức một lần”.
Phát biểu tại buổi làm việc với huyện Tuy Phước, ông Hồ Xuân Ánh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra, đề nghị: “Thời gian tới, các cấp ủy đảng, lãnh đạo huyện cần quan tâm hơn nữa trong việc phân bổ kinh phí cũng như tạo điều kiện để cán bộ làm công tác PBGDPL được tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật đến người dân. Cần ưu tiên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các lĩnh vực pháp luật liên quan thiết thực đến đời sống của người dân, nhất là pháp luật về giao thông đường bộ, đất đai”.
Quan tâm đến mảng công tác giáo dục pháp luật cho đối tượng học sinh và thanh thiếu niên, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh, ủy viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, nhấn mạnh: “Đảng ủy, lãnh đạo các cơ quan, trường học cần tập trung bố trí nhiều thời gian, thời lượng PBGDPL cho học sinh các bậc học; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, phổ biến pháp luật cho cán bộ, giáo viên, nhất là đội ngũ làm công tác PBGDPL để công tác này ngày càng có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật trong toàn dân”.
KIỀU ANH