Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”: Thêm chuyển động tích cực
Triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kinh tế khu vực nông thôn trong tỉnh đã có bước chuyển ban đầu đáng ghi nhận. Chính quyền các địa phương đã có những động thái hỗ trợ các cơ sở sản xuất, người dân phát huy giá trị các sản phẩm truyền thống, có lợi thế, nhằm nâng cao thu nhập.
Trưng bày bưởi Hoài Ân cùng các sản phẩm khác tại Hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm tỉnh Bình Định với các tỉnh, thành phố năm 2019.
Các làng nghề ở TX An Nhơn khá đa dạng về loại hình và phong phú về sản phẩm, được phát triển theo nhiều nhóm nghề khác nhau như chế biến lâm sản, nông sản, mỹ nghệ, cơ khí, sinh vật cảnh... Trong năm 2019, UBND TX An Nhơn vận động, phối hợp kêu gọi nguồn vốn hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm bánh tráng của làng nghề truyền thống bánh tráng Trường Cửu, xã Nhơn Lộc (kinh phí 55 triệu đồng) và chứng nhận nhãn hiệu tập thể Gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu cho làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu (kinh phí 150 triệu đồng).
Ông Lê Minh Toán, Phó Chủ tịch TX An Nhơn, cho biết: “Có 11 sản phẩm và 21 cơ sở được lên kế hoạch thực hiện chương trình OCOP để thị xã công nhận cấp 3 sao đến 5 sao. Trong đó, chỉ có cơ sở đồ gỗ gia dụng từ nguyên liệu gỗ địa phương của Xí nghiệp Chế biến lâm sản An Nhơn - Chi nhánh Công ty CP Lâm nghiệp 19 đạt cấp 5 sao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”.
UBND huyện Hoài Ân vừa tổ chức lễ công bố nhãn hiệu “Bưởi Hoài Ân” và “Trà Gò Loi” giúp tạo cơ sở pháp lý về bảo hộ độc quyền sản phẩm cho hai đặc sản của huyện. 90 hộ nông dân trồng bưởi Hoài Ân và trà Gò Loi có động lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh bền vững, trong đó có các cơ sở sản xuất trà Gò Loi của ông Nguyễn Hữu Oanh, vườn trồng bưởi của ông Tăng Hữu Kích, Đặng Thành Hưng, Nguyễn Tấn Trung... theo chương trình OCOP.
Được biết, các huyện trong tỉnh đang chuẩn bị các bước để chấm điểm sao cho các sản phẩm OCOP và chọn lựa đưa lên cấp tỉnh. Sở Công Thương đang tiến hành khảo sát lựa chọn địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm chương trình OCOP tại các cửa hàng ở nhà ga, sân bay, bến xe, bến tàu, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết: “Đến năm 2020, UBND tỉnh sẽ hoàn thiện, tiêu chuẩn hóa 23 sản phẩm các loại và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương. Trong đó, công nhận 90 cơ sở đạt chuẩn 3 sao trở lên theo cấp huyện, tỉnh và sẽ hỗ trợ xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại thị trường địa phương, tỉnh, trong nước và xuất khẩu”.
Sản phẩm trứng vịt lộn Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) đang tìm cách khẳng định thương hiệu khi tham gia OCOP.
Dù mới biết đến chương trình OCOP nhưng ông Nguyễn Văn Dũng, chủ lò ấp trứng nổi tiếng ở xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, mong muốn được tham gia hỗ trợ tạo thương hiệu trứng vịt lộn để người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Ông Dũng chia sẻ: “Trứng vịt lộn Hoài Mỹ hiện giá cả bấp bênh, nếu có thương hiệu sẽ tăng giá trị sản phẩm, giá bán sẽ ổn định hơn”.
Không chỉ ông Dũng mà những người tham gia OCOP đều nhận thức việc phải nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng lại gặp khó khăn trong việc thực hiện các bước chuẩn hóa sản phẩm, tạo thương hiệu và tìm nguồn tiêu thụ.
Việc làm thế nào thu hút nguồn xã hội hóa để hỗ trợ tạo thương hiệu, mẫu mã, bao bì, giám sát chất lượng sản phẩm là những vấn đề cần được các cơ quan chức năng quan tâm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ phát triển các nhóm hàng nông sản, xây dựng hệ thống truy xuất sản phẩm; tổ chức các diễn đàn kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nhiều hơn nữa. Các địa phương chú trọng tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cán bộ, nông dân tích cực tham gia OCOP.
HẢI YẾN