Giám sát chặt chẽ, phòng chống quyết liệt dịch tả heo châu Phi
Theo đánh giá của ngành chức năng, dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh hiện đã giảm, nhưng nguy cơ bùng phát trở lại rất cao. Vì vậy, cần phải tiếp tục phối hợp thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống để bảo vệ đàn heo.
Hộ ông Lê Xuân Quang, ở xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn, đang tăng khẩu phần cho heo để xuất bán.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, nhờ thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp trong thời gian dài, nên hơn 40 ngày qua, Hoài Ân chưa phát sinh thêm ổ dịch tả heo châu Phi mới. Hiện giá heo hơi tại địa phương đang tăng cao, từ 39.000 - 40.000 đồng/kg, mỗi ngày người chăn nuôi trên địa bàn huyện xuất chuồng từ 1.000 - 3.000 con heo, lãi trên 500 nghìn đồng/con. “Dịch bệnh không phát sinh, giá heo hơi tăng, nên người dân đang tái đàn để cung cấp cho thị trường dịp cuối năm. UBND huyện tiếp tục chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương hỗ trợ thuốc thú y, vôi bột, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc cho hay.
“Trang trại của tôi hiện nuôi 300 con heo. Bên cạnh việc tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch bệnh và vệ sinh, khử độc sát trùng chuồng trại, tôi còn tăng khẩu phần ăn có nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho heo. Trong tuần này, tôi sẽ xuất chuồng một lứa heo thịt khoảng 20 con và tăng đàn để phục vụ nhu cầu thịt heo trong dịp Tết sắp đến”.
Ông HOA TUYẾT NHI thôn Gia Trị, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân
Tình hình dịch tả heo châu Phi tại TP Quy Nhơn, huyện Phù Mỹ, Phù Cát cũng không còn phức tạp như trước. Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Tổng đàn heo xử lý tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi là 13.224 con, tập trung vào tháng 7.2019. Từ cuối tháng 8 đến nay, nhiều địa phương không phát sinh thêm ổ dịch mới là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, ở TX An Nhơn, huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn thì hàng tuần vẫn còn xảy ra dịch tả heo.
Theo ngành chức năng của tỉnh, nguy cơ loại dịch bệnh này bùng phát trở lại là rất cao. Hơn nữa, việc một bộ phận người chăn nuôi chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh, các địa phương cũng chưa thực hiện chính sách hỗ trợ cho người bị thiệt hại ít nhiều đã ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, khuyến nghị: “Để công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi đạt hiệu quả hơn, Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh bám sát địa bàn phụ trách để nắm bắt tình hình, hỗ trợ, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng tốt các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi khi các khoản chi hỗ trợ vượt quá ngân sách dự phòng chi của địa phương”.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh về công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi diễn ra ngày 26.9, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu: Các thành viên trong Ban chỉ đạo tiếp tục bám sát địa bàn được phân công phụ trách, phối hợp với chính quyền các địa phương giám sát chặt chẽ và triển khai quyết liệt các biện pháp, không để phát sinh thêm ổ dịch mới. Các địa phương cần phải nhanh chóng hoàn tất hồ sơ, thủ tục hỗ trợ thiệt hại do dịch gây ra và chủ động trích ngân sách địa phương để hỗ trợ cho người dân và lực lượng tham gia phòng chống dịch bệnh, không trông chờ ỷ lại ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng giao Sở Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân có đàn heo phải tiêu hủy theo quy định. Sở NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ thuốc thú y, vôi bột cho các địa phương phục vụ công tác phòng chống dịch; tiếp tục duy trì công tác kiểm tra vận chuyển heo ra vào tỉnh và phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm soát hoạt động giết mổ động vật; tư vấn hướng dẫn việc tái đàn heo. Sở TN&MT tiến hành quan trắc môi trường tại các điểm đã tiêu hủy, chôn lấp heo. Người chăn nuôi cũng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
PHẠM TIẾN SỸ