Gánh nặng suy thận do các bệnh về lối sống
Cùng với sự gia tăng tần suất các bệnh về lối sống, đặc biệt là đái tháo đường, biến chứng tại thận ngày một tăng lên.
Bệnh nhân suy thận mạn có nguyên nhân từ bệnh đái tháo đường điều trị tại khoa Nội thận - Lọc máu ngày càng gia tăng.
Ở tuổi 30, bệnh nhân N.T.H (TP Quy Nhơn) đã mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) tuýp 2 và biến chứng suy thận. Đều đặn, N. phải vào khoa Nội thận - Lọc máu (BVĐK tỉnh) chạy thận 3 lần/tuần, cuộc đời anh coi như gắn với máy chạy thận. Các bác sĩ cho biết, việc chạy thận lọc máu cũng chỉ để điều trị triệu chứng, bởi bệnh sẽ biến chứng rất phức tạp ảnh hưởng tới nhiều bộ phận khác và dẫn đến tử vong.
45% - 50% suy thận do đái tháo đường
“Lắng nghe” cơ thể mình
Theo Liên đoàn ÐTÐ thế giới (IDF), hiện toàn thế giới có trên 415 triệu người bị bệnh này, con số dự kiến sẽ tăng lên 642 triệu người vào năm 2040. Gánh nặng bệnh tật của ÐTÐ cao gấp 20 - 40 lần những bệnh lây nhiễm khác.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Vũ nhấn mạnh, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận mạn là do ÐTÐ. Bệnh thường không gây ra triệu chứng gì cho tới khi đã tiến triển. Ðể phát hiện bệnh sớm, người dân cần đi xét nghiệm máu định kỳ. Ðồng thời, trang bị kiến thức, hiểu biết và “lắng nghe” cơ thể mình để phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh như chân tay phù, thay đổi khi đi tiểu, người mệt mỏi, sút cân…
Bác sĩ CKII Nguyễn Dũng, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu (BVĐK tỉnh) cho biết, khoa hiện điều trị chạy thận chu kỳ cho gần 400 bệnh nhân. Nếu trước đây, bệnh nhân suy thận phải lọc máu chủ yếu do bệnh lý về thận thì gần đây suy thận do bệnh về lối sống tăng mạnh. Đáng chú ý, có tới 45% - 50% bệnh nhân mới phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận do hậu quả của bệnh ĐTĐ.
Mắc bệnh ĐTĐ tuýp 1, đến giờ, chị Đ.T.L (SN 1981, xã Mỹ Chánh, Phù Mỹ) đã chạy thận ở nhiều bệnh viện trong cả nước. Mấy năm nay, chị L. đã về điều trị tại khoa Nội thận - Lọc máu (BVĐK tỉnh).
Bác sĩ điều trị Lê Văn Phúc cho hay, việc can thiệp thuốc insulin ở bệnh nhân suy thận do ĐTĐ từ 15-20 UI/ngày là có thể kiểm soát được đường huyết, nhưng với chị L. đường huyết không thể kiểm soát được dù sử dụng insulin ở mức rất cao 60 UI/ngày. Hiện nay, dù vẫn chạy thận chu kỳ, nhưng bệnh nhân đã suy kiệt nặng, có thể tử vong bất kể lúc nào. Theo bác sĩ Nguyễn Dũng, việc điều trị cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối đã lọc máu do nguyên nhân từ ĐTĐ gây nên thường khó khăn hơn nhiều so với bệnh nhân suy thận do bệnh lý về thận. Tại khoa Nội thận - Lọc máu, các bác sĩ đã nhiều lần phải cấp cứu cho bệnh nhân ĐTĐ nhập viện do biến chứng suy thận với các triệu chứng: tăng huyết áp dẫn đến phù phổi, tai biến mạch máu não, hôn mê do giảm đường máu, ngừng tuần hoàn…
“Trong cuộc lọc máu cho bệnh nhân, bác sĩ cũng gặp nhiều khó khăn do những bệnh nhân này phải đối diện với rất nhiều biến chứng tim mạch và não, nguy cơ tử vong cao”, bác sĩ Dũng nói.
Tuân thủ chế độ điều trị và ăn uống rất quan trọng để bệnh nhân ĐTĐ hạn chế biến chứng suy thận.
- Trong ảnh: Bệnh nhân N.T.B (xã Nhơn Hạnh, An Nhơn) mắc ĐTĐ tuýp 2 biến chứng suy thận đang điều trị tại khoa Nội tiết (BVĐK tỉnh).
Chế độ điều trị, ăn uống: Cực kỳ quan trọng!
Mệt mỏi khi nằm điều trị bệnh ĐTĐ tuýp 2 tại khoa Nội tiết (BVĐK tỉnh), bà N.T.B (SN 1953, xã Nhơn Hạnh, TX An Nhơn) khó nhọc cho chúng tôi biết, 15 năm nay bà thường phải ra - vào bệnh viện vì biến chứng suy thận. “Hồi mới điều trị, uống thuốc vào thấy bệnh đỡ đỡ, tui lại ngưng thuốc, rồi có khi điều trị bằng thuốc Nam. Nhưng gần đây, bệnh chuyển nặng, người mệt mỏi, ăn uống kém, buồn nôn, phù chân. Bác sĩ bảo, bệnh đã biến chứng suy thận, kèm theo tăng huyết áp, giờ nhất nhất phải làm theo chế độ điều trị, ăn uống của bệnh viện”, bà B. chia sẻ.
Các bác sĩ đang rất lo ngại về xu hướng gia tăng bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo do biến chứng từ ĐTĐ. Bác sĩ CKII Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng khoa Nội tiết cho hay, hiện bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối do hậu quả của ĐTĐ chiếm tỷ lệ cao nhất (1/3 trong tổng số bệnh nhân suy thận mạn); tiếp đó là tăng huyết áp, rồi mới đến các bệnh lý về thận. Đáng báo động, tử vong của bệnh thận mạn do ĐTĐ còn xếp trên cả bệnh ung thư phổi. Trong khi đó, sự gia tăng và “trẻ hóa” của ĐTĐ dẫn đến biến chứng suy thận mạn ngày càng phức tạp, để lại gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.
Điều này cũng được lý giải hiện nay việc phát hiện sớm bệnh suy thận mạn ở bệnh nhân ĐTĐ chưa hiệu quả. Bởi thế, cần phải phát hiện và điều trị sớm bệnh ĐTĐ để giảm biến chứng suy thận. Ngay khi mắc ĐTĐ, bệnh nhân phải tầm soát bằng xét nghiệm chức năng thận, độ lọc cầu thận, đạm niệu. Việc điều trị bệnh ĐTĐ tuân thủ kiểm soát tốt 3 yếu tố: đường huyết, huyết áp, mỡ máu. Đồng thời, thay đổi lối sống; đảm bảo chế độ ăn hợp lý, giảm đường; hạn chế bia, rượu và tuyệt đối bỏ thuốc lá; tập thể dục 30 phút/ngày…
“Việc giáo dục và nâng cao nhận thức về bệnh ĐTĐ và hướng đến một lối sống lành mạnh bao gồm dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục có thể ngăn biến chứng thận ở bệnh nhân ĐTĐ. Như vậy, cũng sẽ ngăn ngừa được nguy cơ gia tăng tỷ lệ bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối ở bệnh ĐTĐ trong một tương lai gần”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Vũ khuyến cáo.
MAI HOÀNG