Nói không với túi ny lông ở nông thôn: Cần sớm có sản phẩm thay thế
Ở khu vực nông thôn trong tỉnh, việc thực hiện giảm thiểu, nói không với túi ny lông, đồ nhựa dùng một lần hay phong trào “Chống rác thải nhựa” nói chung trong đời sống sinh hoạt hằng ngày đang gặp một trở ngại khách quan lớn, đó là thiếu các sản phẩm thay thế.
Thiếu các sản phẩm thay thế đang là trở ngại lớn gây khó khăn, làm giảm nhiệt huyết của người dân nông thôn trong việc chung tay “Chống rác thải nhựa”.
- Trong ảnh: Giới thiệu ống hút làm từ gạo, rau củ quả (xuất xứ ngoài tỉnh) - sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường thay thế ống hút nhựa - tại một buổi truyền thông về “Chống rác thải nhựa” ở Tuy Phước.
Tìm hiểu tại nhiều địa bàn nông thôn trong tỉnh cho thấy, việc nói không với túi ny lông, sản phẩm nhựa dùng một lần đã tác động tích cực đến ý thức của một bộ phận người dân nông thôn. Tuy nhiên, hành động, thay đổi thói quen của người dân vẫn chưa được thực hiện hiệu quả như mong muốn.
Bình Ðịnh có nhiều nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống như dệt chiếu từ cói, đan mây, tre cùng nguồn nguyên liệu có sẵn; nguồn lá sen, lá chuối… cũng dồi dào. Tỉnh, các địa phương có vựa nguyên liệu cần có chính sách khuyến khích DN, người dân tận dụng lợi thế sẵn có, nghiên cứu sản xuất ra những sản phẩm thân thiện với môi trường để thay thế cho đồ nhựa, vừa góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường sống, vừa giải quyết được việc làm cho lao động vùng nông thôn.
Nhiều phụ nữ chung chia sẻ, mặc dù đã biết tác hại của bao bì ny lông, nhất là khi đựng thực phẩm, nhưng nhiều lúc bị động vẫn phải sử dụng, chỉ khi nào chủ động đi chợ mang theo giỏ, hộp nhựa thì mới có cái để đựng, nhưng đi đâu cũng kè kè thật sự rất bất tiện.
Chị Lê Thị Kim Thành, 35 tuổi, ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn cho hay: “Nếu thị trường nông thôn cũng có bán các loại bì dễ phân hủy như ở thành phố để người bán, người mua có cái để đựng đồ mua bán thì sẽ thuận lợi để người dân hưởng ứng phong trào. Nhưng rất tiếc nhiều người đã tìm mua không có”.
Trong khi đó, giải pháp thay thế bằng một số loại lá bản rộng như lá chuối, lá dong, lá môn… vừa mang tính nhỏ lẻ, không ổn định, nhưng cũng chỉ sử dụng để gói những món đồ, thực phẩm dạng khô. Theo chị Nguyễn Thị Ngãi, ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, với thói quen sử dụng trong thời gian dài, ai cũng công nhận tính tiện dụng của bì nhựa. Do vậy, sự bất tiện, những hạn chế của các đồ dùng thay thế dễ khiến người dân quay trở lại thói quen cũ. “Nếu có thể thay thế bì nhựa khó phân hủy bằng bì nhựa an toàn, thân thiện với môi trường, trong điều kiện hiện tại và với thói quen sử dụng của người dân nông thôn, đây có lẽ là giải pháp đơn giản, dễ áp dụng”, chị Nguyễn Thị Ngãi bày tỏ.
Những phản ánh, kiến nghị trên cũng là thực tế tại hầu hết địa bàn nông thôn trong tỉnh. Ngay thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước - một trong hai địa phương của huyện xây dựng mô hình điểm “Phụ nữ không sử dụng túi ny lông”, cũng không có bán bì nhựa dễ phân hủy hay bất cứ một sản phẩm thay thế nào. Chị Huỳnh Thị Sằn, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Diêu Trì, chủ nhiệm mô hình “Phụ nữ không sử dụng túi ny lông” thị trấn Diêu Trì cho hay, vì thị trường địa phương hoàn toàn không thấy bán, từ tháng 6.2019 thành lập mô hình đến nay, một số thành viên gương mẫu phải vào Quy Nhơn để mua về sử dụng. “Khó khăn là khi tuyên truyền, bà con đều hỏi ngược lại vậy dùng bằng gì, mua ở đâu thì chúng tôi thật sự bối rối. Trong khi người dân đang sốt sắng hưởng ứng phong trào, việc thay đổi một thói quen cũ vốn đã ăn sâu chỉ mới được nhen nhóm mà các sản phẩm thay thế lại vắng bóng, dễ khiến người dân sinh nản, phong trào nguội đi”, chị Sằn lo ngại.
Tương tự, một cán bộ phụ nữ huyện Hoài Ân cũng cho biết, việc triển khai, tuyên truyền “Chống rác thải nhựa” ở địa phương này cũng đang gặp khó, người dân dần giảm đi sự hào hứng ban đầu bởi vì phong trào “hô hào suông”, thiếu những sản phẩm tiện ích thay thế kịp thời.
Có thể thấy, sau thời gian dài mải mê với những tiện ích của túi nhựa, gần đây mọi người đã “bừng tỉnh” trước tác hại của nó đối với đời sống và môi trường. Chính vì vậy, điều cấp thiết hiện nay là cần có ngay các sản phẩm thay thế với giá thành hợp lý để mọi người dân có thể sử dụng hằng ngày. Để đạt hiệu quả phong trào, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng cần có biện pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết “điểm nghẽn” này.
SAO LY