Mang sách đến với các em
Từ tháng 6.2019, một nhóm khoảng 50 tình nguyện viên ở TP Quy Nhơn chung tay thực hiện Dự án Thư viện xanh với mong muốn cung cấp sách để trẻ em vùng sâu vùng xa được đọc sách miễn phí. Đến nay, nhóm đã hoàn thành 2 điểm đọc tại xã Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) và xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh). Tiếp theo, nhóm sẽ mở rộng hệ thống các điểm đọc với mục tiêu mỗi huyện có ít nhất một điểm, thường xuyên luân chuyển sách giữa các điểm đọc. Mỗi điểm đọc, nhóm sẽ đặt tủ sách với khoảng 300 đầu sách, truyện tại thư viện của một trường học mà nhóm khảo sát, lựa chọn. Ngoài sắp xếp trưng bày sách tại thư viện, nói chuyện về sách, nhóm tình nguyện viên còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ như: Vẽ tranh tường, trang trí thư viện, tổ chức trò chơi như vẽ tranh, tô màu đặc biệt là các trò chơi dân gian, tạo không khí vui vẻ, yêu thích thư viện cho các em.
Điểm đọc ở xã Vĩnh Sơn.
“Từ ngày các bạn tình nguyện viên của Dự án Thư viện xanh lên trang trí thư viện và xây dựng tủ sách, các em của trường rất vui và hào hứng. Mấy hôm nay các em thích đến thư viện hơn, điều này thật có ý nghĩa. Hy vọng Dự án sẽ lan tỏa rộng” - ông Đinh Văn Ngơ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Sơn, cho biết.
300 đầu sách có vẻ ít, tuy nhiên, đó cũng là lý do mà Dự án chọn xây dựng điểm đọc ở các thư viện trường học bởi tại đây đã có sẵn khá nhiều sách. Qua việc xây dựng tủ sách cũng như tạo không gian sinh động, hấp dẫn, nhóm tình nguyện viên dẫn dắt, truyền cảm hứng để các em đến và đọc sách nhiều hơn. Chị Thái Ngọc Sang, thành viên Ban chủ nhiệm Dự án, chia sẻ: “Phần sách của Dự án chúng tôi là phần chúng tôi khảo sát sở thích để bổ sung nhanh, luân chuyển thường xuyên. Ban đầu có thể các em sẽ thích đọc truyện tranh hơn, nhưng chúng tôi sẽ hướng dẫn để các em đọc những sách chứa đựng nhiều kiến thức chứ không chỉ nhằm giải trí”.
Để thu hút và tập cho các em thói quen thân thiện với môi trường, Dự án Thư viện xanh còn hướng dẫn để các em cùng tái chế những vật dụng không dùng đến. Ở Nhơn Châu, vật liệu tái chế là những chai lọ bỏ đi, những sợi thừng không dùng nữa. Ngoài ra, nhóm tình nguyện viên còn sử dụng ốc biển để kết dính, tô màu thành các vật dụng trang trí đáng yêu. Đối với tủ sách ở Vĩnh Sơn, nhóm dùng những chai nhựa sơn lại làm lọ cắm hoa, làm chậu để trồng hoa, đặt cạnh tủ sách để các em thích thú lại vừa giúp các em có ý thức bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các tình nguyện viên còn vẽ tranh tường, trang trí lại khung cảnh để bắt mắt, phù hợp với lứa tuổi của các em.
“Chúng tôi chia nhau để khoảng một vài tháng một lần, quay lại Thư viện trò chuyện với các em, luân chuyển sách và thay đổi các vật dụng trang trí. Chúng tôi biết việc tổ chức Thư viện xanh như vậy không thể khiến các em có thể ham mê đọc sách ngay, nhưng chúng tôi tin qua đó các em sẽ bắt đầu chú ý và có ý thức hơn về việc đọc sách, lâu dần các em sẽ hình thành thói quen” - chị Thái Ngọc Sang chia sẻ thêm.
THẢO KHUY