Thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động, xử lý sim rác
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản chỉ đạo các Sở Thông tin và truyền thông 63 tỉnh, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, công an, lực lượng quản lý thị trường tiến hành thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động trên phạm vi toàn quốc.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo đó các Sở Thông tin và truyền thông sẽ tiến hành thanh tra các doanh nghiệp viễn thông di động, tổ chức, cá nhân, cửa hàng, đại lý phân phối, bán SIM điện thoại trái pháp luật trên địa bàn.
Đây là một trong nhiều biện pháp cứng rắn của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm siết chặt SIM rác và tin nhắn rác đang có chiều hướng tăng trở lại.
Hiện nay tình trạng SIM rác vẫn được bày bán công khai, người dân không cần giấy tờ tùy thân vẫn có thể mua để sử dụng một cách dễ dàng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh.
Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24.4.2017 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP không giới hạn số lượng sim mà người dân, tổ chức, doanh nghiệp được sử dụng.
Lợi dụng quy định này, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã đăng ký thông tin cho hàng nghìn, hàng chục nghìn thậm chí vài chục nghìn SIM thuê bao điện thoại di động nhưng không rõ các SIM này hiện đang ở đâu, do ai đang sở hữu sử dụng.
Doanh nghiệp còn ủy quyền cho các cá nhân không rõ có phải là nhân viên hay không để thực hiện ký giao kết hợp đồng sử dụng thuê bao di động với tần suất cách nhau một vài ba ngày/lần để sử dụng vài ba trăm SIM.
Thậm chí, chủ đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông trực tiếp dùng chứng minh nhân dân, thẻ căn cước của mình đăng ký thông tin thuê bao cho hàng trăm SIM, khi được kiểm tra thì báo bị mất.
Bên cạnh đó tình trạng các doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng với các cá nhân bên ngoài để làm điểm cung cấp dịch vụ thông hoặc các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền lại ký tiếp hợp đồng với các doanh nghiệp, cá nhân khác để đăng ký thông tin thuê bao dẫn đến việc đăng ký thông tin hết sức lỏng lẻo.
Chính vì vậy, chi nhánh doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc liên hệ, yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng các số thuê bao với số lượng lớn đến làm việc nhằm làm rõ mục đích sử dụng hoặc phục vụ công tác thanh tra. Đợt thanh tra sẽ chính thức bắt đầu từ tháng 10.2019.
Theo Minh Sơn (Vietnam+)