Trên những miền yêu thương…
Người gieo hạt mồ côi (NXB Hội nhà văn, 2019) là tập thơ đầu tay của Lê Vinh, ở đó, tình yêu đôi lứa, đồng đất quê nhà, gia đình thân thương hiện lên gần gũi, mộc mạc.
Lê Vinh hay lội về ký ức, đồng cảm với những số phận bất hạnh trong tình yêu: “Em lấy chồng đồng đất bơ vơ/ Mưa dệt, nắng hong thực mộng/ Tóc ai xõa rộng/ Trống bờ vai nghiêng/ Em về qua hiên/ Thấp thoáng màu sương góa phụ/ Ta chợt khựng trước lằn vai cũ/ Trĩu kỷ niệm em mang về chắn nửa lối ta qua” (Nửa lối ta qua).
Khi Lê Vinh viết về cha về mẹ, về người chị yêu thương câu chữ cứ nhẹ nhàng trải ra và ta cảm nhận được sự chân thành, ấm đầy tình cảm của anh. “Mẹ thứ lỗi con lớn rồi vẫn thế/ Nuông gió mây phiêu lãng ngoài đường/ Cơm mẹ nuôi một thời trai trẻ/ Con đi làm mẹ chưa biết đồng lương” (Mẹ thứ lỗi). Hoặc: “Ngày con vào đại học/ Căn phòng trống chật nỗi lo ba mẹ/ Con chưa lần đi đâu xa thế/ Từng chặp ngày tàn chuyển trông ngóng sang đêm” (Con vào đại học).
Trong Người gieo hạt mồ côi, chuyện làng quê bàng bạc hiện lên với bao nỗi niềm. Lê Vinh thủ thỉ chuyện đồng làng bằng nỗi trăn trở của một người con yêu quê hương, biết cảm thương, hàm ơn và nâng niu những giá trị: “Chúng tôi lớn lên cứng cáp/ Ngày nghỉ học tập tành đi mót/ Con cút một đánh cắp gì lủi nhanh, mất hút/ Tiếng “bắt cô trói cột” rơi đầy!/ Hạt gạo mẩy hóa thân nâng bước đường xa/ Một đời mẹ cha chưa ra khỏi cánh đồng/ Dập dềnh mùa lũ dâng/ Nắng hạn cay đáy mắt/ Hạt gạo bọc quanh tôi phía thị thành đầy nắng/ Tôi sờ vào túi tôi/ Chợt chạm những giọt mồ hôi/ Im ắng” (Người gieo hạt mồ hôi).
Lê Vinh tên thật là Lê Văn Vinh, quê ở xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn), giáo viên của Trường Tiểu học số 2 Nhơn Hậu. Hiện anh đang là Chi hội trưởng Chi hội Văn học (Hội VHNT TX An Nhơn); hội viên Chi hội Văn học (Hội VHNT tỉnh Bình Định).
VÂN PHI