Ghi nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử: Ngư dân & cơ quan quản lý cùng được lợi
Việc thực hiện quy định ghi, nộp báo cáo nhật ký khai thác thủy sản góp phần quan trọng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC). Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) đã chia sẻ với phóng viên Báo Bình Ðịnh một số vấn đề liên quan.
* Thưa ông, ông có thể cho biết việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản được ngư dân chấp hành như thế nào?
- Ngay sau khi Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT quy định về ghi, nộp báo cáo nhật ký khai thác thủy sản có hiệu lực từ ngày 1.1.2019, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức tập huấn cho ngư dân, các DN, Chi cục thủy sản và Ban quản lý cảng cá các tỉnh; trong đó có tỉnh Bình Định để triển khai thực hiện. Đến nay, việc ghi chép và giao nộp nhật ký, lưu trữ, giám sát, kiểm tra dữ liệu phục vụ việc chứng nhận nguồn gốc sản phẩm khai thác đã được thực hiện đúng quy định và đảm bảo theo yêu cầu truy xuất nguồn gốc của các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Đặc biệt, ngư dân đã nắm rõ các quy định và ghi chép đầy đủ các thông tin hoạt động khai thác hàng ngày trên biển của tàu cá vào sổ nhật ký, nộp cho cơ quan chức năng khi tàu cập cảng để thực hiện việc kiểm tra, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Ngư dân Bình Định là những người thực hiện khá nghiêm túc việc này!
* Được biết, Tổng cục Thủy sản đang triển khai việc ghi nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử. Ông có thể nói rõ hơn?
- Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) tổ chức giới thiệu và triển khai thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử ASEAN eCDTS tại Bình Thuận. Hệ thống này cho phép các cơ quan quản lý nghề cá giám sát toàn bộ hoạt động khai thác, kiểm soát sản lượng thủy sản lên bến tại các cảng cá thông qua mạng. Ngư dân có thể dễ dàng khai báo thủ tục ra vào cảng cá, sản lượng, ngư trường, thời gian khai thác thủy sản; Ban quản lý cảng cá kiểm soát hoạt động tàu cá, xác nhận khối lượng nguyên liệu thủy sản bốc dỡ qua cảng; chủ nậu và DN khai báo nguyên liệu lô hàng và cơ quan thẩm quyền địa phương thực hiện xác minh, cấp xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo quy định.
Hoạt động bốc dỡ thủy sản tại cảng cá Quy Nhơn.
Toàn bộ những mục việc kể trên có thể thực hiện trực tuyến bằng máy tính hoặc thiết bị di động có kết nối internet. Bằng việc ghi nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử, tất cả các bên liên quan, đặc biệt là ngư dân sẽ tiết kiệm nhiều loại chi phí, thu gọn bộ máy phục vụ, giảm nhân lực, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính... Đây cũng là nội dung quy định tại Hiệp định các biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, giảm trừ và xóa bỏ khai thác IUU của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) mà Việt Nam gia nhập.
Toàn bộ dữ liệu được bảo mật, lưu trữ theo hệ thống, lâu dài có thể sử dụng cho việc quản lý thương mại và quản lý nghề cá theo hướng bền vững, có trách nhiệm. Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử ASEAN eCDTS đang được áp dụng ở nhiều quốc gia; trong đó Philippines và Thái Lan đã áp dụng thành công hệ thống này và họ đã gỡ được “thẻ vàng” của EC.
* Diễn biến đó sẽ rất có lợi cho ngư dân và cả các cơ quan quản lý, ở góc độ là lãnh đạo của Vụ Khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế, ông có thể cho biết cụ thể hơn những gì sẽ triển khai trong thời gian tới, thưa ông?
- Cái gì có lợi cho ngư dân, có lợi cho sự phát triển chung, chúng tôi đều nỗ lực triển khai áp dụng càng sớm càng tốt. Hiện Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với SEAFDEC triển khai một số khóa đào tạo, tập huấn cho ngư dân, chủ nậu, DN, Ban quản lý cảng cá, Chi cục thủy sản tại các địa phương, như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận... trong việc sử dụng hệ thống ASEAN eCDTS. Đồng thời, phối hợp với Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ một số thiết bị phần cứng thiết yếu để triển khai thực hiện thí điểm tại Bình Thuận.
Kiểm tra thủ tục cá ra vào cảng tại cảng cá Quy Nhơn
Thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục phối hợp với SEAFDEC, USAID và các tổ chức liên quan khác giới thiệu, đào tạo, tập huấn và hỗ trợ các địa phương khác ứng dụng hệ thống ASEAN eCDTS để quản lý nghề cá tại các địa phương theo hướng hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm theo Luật Thủy sản 2017 và thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản cũng phối hợp với Ủy ban nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương tổ chức cài đặt, tập huấn, hướng dẫn cho các tỉnh, thành có nghề khai thác cá ngừ phát triển (từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu) sử dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu cá ngừ nhằm phục vụ lưu trữ dữ liệu, báo cáo thông tin và cung cấp các tư vấn cho việc xây dựng quyết định, kế hoạch quản lý nghề khai thác cá ngừ tại các tỉnh, thành ven biển của Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)