Kinh tế tập thể: Ðổi mới để phát triển bền vững
Phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX đã có những chuyển biến tích cực. Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18.3.2002 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể do UBND tỉnh tổ chức cuối tháng 9 vừa qua đã đánh giá toàn diện quá trình thực hiện; đồng thời đề ra hướng phát triển kinh tế tập thể của tỉnh phù hợp tình hình mới.
Tại Hội nghị, trao đổi cùng PV Báo Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu khẳng định, Bình Định là một trong những địa phương đi đầu trong chỉ đạo và thực hiện chuyển đổi hoạt động HTX theo Luật HTX năm 2012.
* Thưa Phó Chủ tịch UBND tỉnh, sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, kinh tế tập thể của tỉnh với nòng cốt là các HTX đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Đồng chí đánh giá cụ thể như thế nào về công tác này?
- Việc rà soát, giải thể các HTX yếu kém, đồng thời thành lập mới HTX đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH đã được ngành chức năng, chính quyền các cấp thực hiện khá tốt. Năm 2002, toàn tỉnh có 307 HTX thì nay giảm còn 204 HTX, liên hiệp HTX với 335 nghìn thành viên, tổng vốn hoạt động trên 2.933 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, sau khi chuyển đổi hoạt động theo luật mới, nhiều HTX đã phát huy được vai trò tự chủ, chuyển biến mạnh mẽ về nội dung và phương thức hoạt động. Hiện có 22 HTX liên doanh liên kết với các DN tăng thêm loại hình dịch vụ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho thành viên, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Tuy vậy, kinh tế tập thể ở Bình Định vẫn phát triển chậm và thiếu ổn định. Số lượng HTX nhiều, nhưng không mạnh. Con số 8 HTX xếp loại tốt, 8 HTX xếp loại khá, 70 HTX xếp loại trung bình, 32 HTX yếu và có đến 3 HTX không xếp loại là một minh chứng rõ nét.
* Kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng, tác động đến sự thành công của tiến trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Vậy, quan điểm, mục tiêu và định hướng của tỉnh trong phát triển kinh tế tập thể thời gian tới là gì?
- Trên cơ sở xác định kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy KT-XH, nhưng phải đặc biệt quan tâm đến phát triển bền vững, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và lấy lợi ích của thành viên làm thước đo hiệu quả, tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng, củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển vững mạnh; giữ vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nhất là vùng nông thôn, miền núi. Phấn đấu đến năm 2025, có 80 - 90% HTX hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, không còn HTX yếu kém; tốc độ tăng trưởng bình quân khu vực kinh tế tập thể đạt 6,5 - 7%/năm.
Sản phẩm dưa lê vỏ vàng của HTXNN II Nhơn Thọ (An Nhơn) được DN ký kết thu mua toàn bộ.
* Những mục tiêu, định hướng trên đặt ra những yêu cầu quan trọng nào đối với các ngành chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương và các HTX để nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, thưa đồng chí?
- Để phát huy vai trò của kinh tế tập thể, trước hết, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội cần phải quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, về mô hình HTX kiểu mới. Tiếp tục thực hiện các chỉ thị của Chính phủ, UBND tỉnh về đẩy mạnh thi hành Luật HTX năm 2012. Các đơn vị phải kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, bố trí cán bộ chuyên trách đủ năng lực, trình độ quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể. Tập trung phân loại, xử lý vấn đề tồn đọng của các HTX yếu kém và tiếp tục hỗ trợ giúp đỡ HTX chuyển đổi hoạt động hiệu quả. Giải thể những HTX yếu kém không có khả năng chuyển đổi để thành lập HTX mới phù hợp, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, phát huy và nhân rộng điển hình tiên tiến trong lĩnh vực kinh tế tập thể; xây dựng mô hình HTX kiểu mới; hỗ trợ phát triển mới tổ hợp tác ở các ngành, lĩnh vực, gắn liên doanh liên kết HTX với thành phần kinh tế khác để phát triển sản xuất kinh doanh. Quan trọng, ngay chính các HTX cũng phải thay đổi phương thức hoạt động để đổi mới chính mình; củng cố và phát triển loại hình dịch vụ phù hợp, đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh; từng bước đầu tư đổi mới về quy mô và cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương thức quản lý. Cần khơi dậy nguồn lực nội bộ, kết hợp vay vốn tín dụng, ngân hàng thương mại để đầu tư, mở rộng sản xuất, gắn thu nhập với năng suất và hiệu quả lao động, giải quyết hài hòa lợi ích giữa HTX và thành viên.
* Xin cảm ơn đồng chí!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)