Sản xuất công nghiệp: Chặng nước rút cuối năm
Năm 2019, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các DN trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực khai thác thị trường, tổ chức sản xuất hợp lý, nâng sức cạnh tranh sản phẩm. Nhờ vậy, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, đóng góp chung vào bức tranh tổng thể của kinh tế toàn tỉnh.
Việc đưa vào vận hành, khai thác 2 nhà máy điện mặt trời tại xã Cát Hiệp (Phù Cát) và tại Khu kinh tế Nhơn Hội (tổng công suất gần 100 MWp) dự báo sẽ mang lại giá trị sản xuất công nghiệp cao.
- Trong ảnh: Một góc nhà máy điện mặt trời Fujiwara 100% vốn đầu tư Nhật Bản tại Khu kinh tế Nhơn Hội.
Theo Cục Thống kê tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp trong 9 tháng ước đạt 32.388 tỷ đồng, tăng 9,5% so cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, những sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 31.122 tỷ đồng, tăng 10,1%; công nghiệp khai khoáng đạt hơn 535 tỷ đồng, tăng 19,1%; công nghiệp cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt hơn 232 tỷ đồng, tăng 8%.
Tăng trưởng 8,1%
Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng thông tin, đi qua 3/4 chặng đường của năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 8,1% so cùng kỳ năm trước. “Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá là nhờ các DN nỗ lực huy động vốn, mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm mở rộng các thị trường xuất khẩu mới; nhiều DN ký được hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ đầu năm. Trong đó, nhiều sản phẩm sản xuất ổn định và sản lượng tăng cao như chế biến tinh quặng ilmenite, khai thác đá xây dựng, sữa, thức ăn chăn nuôi, may mặc, dăm gỗ, thuốc tân dược…”, ông Tổng cho hay.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại một DN ở khu công nghiệp Phú Tài.
Ông Trần Ngọc Nhị, Giám đốc Công ty TNHH Tân Trung Nam (Khu công nghiệp Phú Tài), cho biết, công ty đã tăng tốc tối đa trong sản xuất và chế biến đá granite, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tìm kiếm thị trường xuất khẩu và nội địa, đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định. Sản phẩm đá hoa cương tiêu thụ mạnh tại thị trường các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu sang các nước thuộc khối EU, Nhật Bản… Hiện đơn vị tập trung đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng các đơn hàng đã kín từ nay đến cuối năm.
Ghi nhận tại nhiều DN hoạt động ở các khu công nghiệp và Khu kinh tế Nhơn Hội cho thấy, tình hình sản xuất, kinh doanh khởi sắc đáng kể. Ông Huỳnh Thanh Tùng, Phó phòng Quản lý DN (Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh), đánh giá: Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm nay của các DN hoạt động tại các khu công nghiệp đạt gần 19.500 tỷ đồng, tăng 5,8% so cùng kỳ. Cụ thể, nhóm chế biến lâm sản tăng 9,5%, nhóm chế biến đá granite tăng 24,1%, nhóm thức ăn chăn nuôi tăng 11%...
“Kết quả tăng trưởng trên trước hết là nhờ tỉnh tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư kết cấu hạ tầng. Cùng với đó, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho DN yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh”, ông Tùng nói.
Nước rút cuối năm
Dù IIP tăng trưởng 8,1% là kết quả đáng ghi nhận, nhưng ông Ngô Văn Tổng khẳng định chưa thể đảm bảo cho tăng trưởng cả năm ở mức từ 8,8 - 9%. Đồng nghĩa, 3 tháng còn lại của năm là cuộc đua nước rút trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Người đứng đầu ngành Công Thương tỉnh cho biết sẽ tập trung thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh để hỗ trợ cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp. Ông Tổng nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc với các DN để nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh tháo gỡ. Tập trung đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào sử dụng các dự án đầu tư mới như mở rộng nhà máy sữa Vinamilk Quy Nhơn, nhà máy Bia Quy Nhơn, dự án điện mặt trời, điện gió... Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu hàng hóa, định hướng cho DN chủ động phát triển sản xuất cũng là trọng tâm ưu tiên của ngành trong thời gian còn lại của năm”.
N. HÂN