Ứng dụng GIS quản lý đê điều
Năm 2019, Chi cục Thủy lợi Bình Ðịnh (Sở NN&PTNT) đưa vào sử dụng bộ cơ sở dữ liệu hệ thống đê điều và phần mềm phục vụ công tác quản lý hệ thống đê điều. Việc số hóa cơ sở dữ liệu tạo thuận lợi trong quản lý toàn diện hệ thống đê điều toàn tỉnh.
Bộ cơ sở dữ liệu hệ thống đê điều và phần mềm phục vụ quản lý hệ thống đê điều (BDykeGIS) được xây dựng trên nền hệ thống thông tin địa lý (GIS) mã nguồn mở. Đây là ứng dụng của kết quả nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về “Xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ phục vụ quản lý hệ thống đê điều tỉnh Bình Ðịnh”, do Chi cục Thủy lợi phối hợp với TS Ngô Anh Tú - Phó trưởng khoa Khoa học tự nhiên (Trường ĐH Quy Nhơn) - thực hiện, được nghiệm thu cuối năm 2018.
Với bộ cơ sở dữ liệu hệ thống và phần mềm quản lý đê điều, công tác quản lý tuyến đê sông Hà Thanh của Trạm Thủy lợi Hà Thanh nhẹ nhàng hơn.
Với ứng dụng này, cán bộ chuyên môn của Chi cục Thủy lợi trực tiếp truy xuất, cập nhật các số liệu liên quan đến đê điều thuộc khu vực mình phụ trách. Đồng thời, biên tập, chia sẻ thông tin và in ấn bản đồ, cập nhật thông tin đê điều vào hệ thống cơ sở dữ liệu, và chia sẻ thông tin lên internet thông qua bản đồ số trong WebGIS. Bộ cơ sở dữ liệu hệ thống đê điều dạng mở có thể cập nhật thường xuyên theo thời gian.
Những ngày qua, mưa nắng thất thường, ông Lê Hùng Vinh cùng các cán bộ Trạm Thủy lợi Hà Thanh (thuộc Chi cục Thủy lợi) thường xuyên đi kiểm tra tuyến đê và công trình trên đê do mình quản lý, xem xét tình hình các khu vực trọng yếu. Về đến trạm, ông Vinh mở phần mềm cơ sở dữ liệu được cài sẵn trên máy tính để xem xét thông tin liên quan đến các đoạn đê. 27 năm làm công tác “coi đê”, ông bảo đến bây giờ công việc mới thật sự nhẹ nhàng nhờ có phần mềm và bộ cơ sở dữ liệu.
“Hệ thống đê Đông với chiều dài 47 km đã được số hóa, muốn có thông tin tuyến đê nào chỉ cần nhấp chuột vào máy tính là có ngay. Bộ cơ sở dữ liệu gồm có dữ liệu không gian và dữ liệu thuộc tính của GIS dưới dạng vector (điểm, đường, vùng) thông qua đo đạc thực tế và ảnh vệ tinh độ phân giải siêu cao từ việc ghép ảnh của Google Earth làm dữ liệu nền. Ngoài các thông số, trong trường hợp có sự cố có thể thấy xung quanh có những công trình gì, từ đó đề xuất phương án xử lý nhanh chóng, hiệu quả”, ông Lê Hùng Vinh cho biết.
Theo ông Đặng Công Chính, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, phần mềm BdykeGis đã hoàn thành, chi cục tiến hành hoàn chỉnh bộ cơ sở dữ liệu về đê điều trên toàn tỉnh, rất thuận lợi trong công tác quản lý. Chi cục sẽ liên tục cập nhật tình hình xây dựng, sửa chữa đê điều và bổ sung vào bộ cơ sở dữ liệu. Phần mềm có các tính năng như: Hiển thị bản đồ số, các lớp thông tin; di chuyển, phóng to, thu nhỏ, xem toàn vùng dữ liệu; chức năng báo cáo - thống kê; chức năng tìm kiếm, xem thông tin chi tiết; chức năng cập nhật dữ liệu (thêm đối tượng, chỉnh sửa đối tượng, xóa đối tượng); in ấn và kết xuất bản đồ...
Riêng bản đồ số đã được đưa vào Trang thông tin điện tử của Văn phòng thường trực phòng chống thiên tai của tỉnh và tiếp tục cập nhật dữ liệu.
Dù rất hữu ích, nhưng bộ cơ sở dữ liệu hệ thống đê điều và phần mềm phục vụ công tác quản lý hệ thống đê điều mới chỉ được ứng dụng tại Chi cục Thủy lợi và các đơn vị trực thuộc mà chưa chuyển giao về các địa phương. Ông Võ Duy Tín, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, bày tỏ: “10/15 xã, thị trấn của huyện Hoài Ân gần như năm nào cũng bị sạt lở do hai con sông An Lão và Kim Sơn thuộc lưu vực sông Lại Giang gây ra. Công tác báo cáo, đề xuất chỉnh sửa sẽ được thực hiện dễ dàng hơn nếu có bộ cơ sở dữ liệu; việc tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân cũng nhanh chóng, kịp thời hơn, hạn chế hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”.
TS Ngô Anh Tú cho hay, sẽ phát triển phần phiên bản WebGIS nhằm cung cấp dữ liệu đê điều tỉnh Bình Định trực tuyến, phân quyền sử dụng cho cán bộ chuyên trách ở cấp huyện có thể cập nhật dữ liệu trực tiếp trên nền internet. Dữ liệu được cập nhật gồm chiều dài tuyến đê, cao trình, hình ảnh thực tế... địa chỉ chi tiết đến thôn, xóm.
NGỌC TÚ