Phát huy giá trị sản phẩm truyền thống, tạo việc làm cho người dân địa phương
Sinh ra từ mảnh đất Hoài Nhơn với nhiều nghề thủ công truyền thống, anh Phạm Quốc Bảo ở xã Hoài Xuân luôn suy nghĩ làm thế nào để phát triển, giới thiệu được những sản phẩm truyền thống của quê hương đến bạn bè bốn phương. Năm 2009, anh Bảo quyết định bỏ công việc ổn định tại TPHCM để trở về quê thực hiện mơ ước của mình.
Ban đầu, với mong muốn cung cấp cho thị trường sản phẩm bánh tráng chất lượng cao, anh Bảo thành lập Công ty TNHH Nhân Hòa đầu tư dây chuyền sản xuất bánh tráng, đặt tên sản phẩm là “Bánh tráng Dalop”. Tuy gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và đầu ra của sản phẩm ở giai đoạn đầu, nhưng không vì thế mà anh nản lòng. Anh chịu khó nghiên cứu, cải tiến chất lượng sản phẩm theo thị hiếu của khách hàng. Với phương châm kinh doanh “lấy chữ tín và chất lượng đặt lên hàng đầu”, theo thời gian thương hiệu bánh tráng Dalop của anh ngày càng được khách hàng ưa chuộng và đến nay đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, có mặt ở khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Nhờ đầu ra của sản phẩm ngày càng thuận lợi nên công ty của anh Bảo giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 80 người, với mức thu nhập ổn định. Không chỉ dừng lại ở đó, anh Bảo còn nhận thấy rằng, ở quê anh, thời gian nhàn rỗi của người nông dân còn nhiều, vì vậy, năm 2013, anh đã thành lập Nhà máy chế biến mây- tre nguyên liệu và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu để tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.
Hiện nhà máy của anh có gần 240 lao động với mức thu nhập ổn định bình quân là 4 triệu đồng/người/tháng và khoảng 600 lao động nhận về làm tại nhà, bình quân thu nhập mỗi tháng hơn 3 triệu đồng/người. Nhờ các cơ sở sản xuất của anh Bảo, bà con nông dân có việc làm quanh năm, có thu nhập cải thiện đời sống. Chị Đinh Thị Lệ, ở xã Hoài Xuân, đã làm việc ở nhà máy của anh Bảo được 5 năm, cho biết công việc và thu nhập ổn định đã giúp cho chị yên tâm trong cuộc sống.
Đến nay, Công ty sản xuất bánh tráng và Nhà máy chế biến mây- tre nguyên liệu và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của anh Phạm Quốc Bảo đã tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động tại địa phương và các vùng lân cận.
PHAN TUẤN (thực hiện)