Phong trào thi đua dân vận khéo ở TX An Nhơn: Lan tỏa, hiệu quả
Những năm qua, phong trào thi đua Dân vận khéo ở TX An Nhơn có sức lan tỏa sâu rộng với nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả; góp phần tạo chuyển biến sâu sắc về lề lối, tác phong làm việc, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và phát huy sức dân tham gia phát triển KT-XH địa phương.
Xây dựng các mô hình dân vận khéo
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy An Nhơn Lê Thanh Tùng cho biết, Thị ủy đã ban hành Chương trình hành động về “Tiếp tục đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, giai đoạn 2016- 2020”, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh phong trào thi đua Dân vận khéo nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc về lề lối, tác phong làm việc, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của nhân dân đối với nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Nhờ làm tốt công tác dân vận, xã Nhơn Hạnh đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2018.
- Trong ảnh: Năm 2019, xã Nhơn Hạnh tiếp tục huy động sức dân mở rộng và bê tông xi măng các tuyến đường giao thông ở các thôn còn lại.
Trước hết, Ban Thường vụ Thị ủy chỉ đạo gắn thực hiện phong trào Xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thị xã cụ thể, thiết thực. Yêu cầu đặt ra là hàng năm mỗi đảng bộ cơ sở xây dựng ít nhất 2 mô hình dân vận khéo, mỗi chi bộ trực thuộc Thị ủy xây dựng ít nhất 1 mô hình dân vận khéo.
Nhờ vậy đã có 100% chi, đảng bộ cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đăng ký và triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo; mỗi đảng viên đều đăng ký và thực hiện một công việc dân vận cụ thể. Tiêu biểu như các mô hình: “Nghe dân nói, nói dân nghe”, “4 đúng” (đúng giờ, đúng kế hoạch, đúng chính sách, đúng pháp luật), “3 sát” (sát dân, sát việc, sát cơ sở), “3 nhất” (hiệu quả nhất, nhanh nhất, gương mẫu nhất).
Ban Thường vụ Thị ủy còn chỉ đạo 100% xã, phường tổ chức đối thoại trực tiếp giữa bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND, UBND với nhân dân các thôn, khu vực 2 đợt/năm; tổ chức đối thoại giữa Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã với nhân dân ít nhất 1 lần/năm để kịp thời lắng nghe, tập trung giải quyết những kiến nghị, phản ảnh của người dân, góp phần giảm số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo qua từng năm.
Đặc biệt, Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo UBND các cấp và các cơ quan, đơn vị từ thị xã đến cơ sở đẩy mạnh phong trào thi đua Dân vận khéo tạo thuận lợi cho tổ chức và cá nhân trong tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính, giải quyết các yêu cầu của người dân, DN theo hướng rút ngắn ít nhất 1/3 thời gian theo quy định. Đến nay, đã có 100/151 thủ tục hành chính đã thực hiện nhanh hơn, rút ngắn được 1/3 thời gian, nâng chỉ số hài lòng của người dân về kết quả giải quyết thủ tục hành chính lên 95,6%.
Thiết thực, hiệu quả
Ông Trần Thiện Ngôn, Trưởng Ban Dân vận Thị ủy An Nhơn, cho biết, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo xây dựng các mô hình dân vận khéo theo định hướng đặt hàng, mỗi năm dành ngân sách 400 triệu đồng để xây dựng các mô hình. Trong đó, từng mô hình dân vận khéo phải có bộ tiêu chí cụ thể để thực hiện và làm cơ sở đánh giá, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, như: ”Khu dân cư kiểu mẫu, tuyến phố văn minh” của MTTQ, ”Tự quản vệ sinh môi trường đồng ruộng, sản xuất nông sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng” của Hội Nông dân, ”Chung tay hành động vì môi trường” của Hội LHPN; ”Tuyến đường thanh niên sáng - xanh- sạch - đẹp” của Đoàn Thanh niên, ”Tự quản về ANTT” của Hội CCB, được triển khai đồng loạt ở 15 xã, phường.
Đến nay, trên toàn thị xã đã xây dựng được 107 mô hình dân vận khéo với 515 đơn vị thực hiện, thu hút trên 22.400 hội, đoàn viên và nhân dân tham gia. Trong đó, có 40 mô hình có hiệu quả trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với 124 đơn vị thực hiện. Nhiều mô hình đã có sức lan tỏa, tác động tích cực trên các mặt đời sống xã hội, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và mục tiêu phát triển KT-XH ở địa phương.
NGUYỄN PHÚC