Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới: Chuẩn bị từ bây giờ
Năm học 2020 - 2021, cùng với cả nước, tỉnh Bình Ðịnh bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Ðể chuẩn bị, UBND tỉnh đã chủ động kế hoạch triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 2 nhiệm vụ chủ yếu cần thực hiện trước là bồi dưỡng giáo viên và xây dựng cơ sở vật chất.
Tiểu học là cấp học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
- Trong ảnh: Cô và trò ở Trường Tiểu học Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn).
Kiện toàn bộ máy nhân sự
Hiện nay, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn tỉnh là 16.900, trong đó cán bộ quản lý là 1.330, giáo viên là 15.570, tỷ lệ đạt chuẩn là 100%, trong đó phần trên chuẩn là 68,8%. Theo Sở GD&ĐT, đội ngũ này đảm bảo về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, với chương trình mới thì sẽ thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Do đó, để triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM), cần kịp thời xây dựng, hoàn thiện bổ sung đề án vị trí việc làm.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT tổ chức thực hiện việc rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu, số lượng đội ngũ nhà giáo để tổ chức bồi dưỡng cập nhật, bổ sung kiến thức, đáp ứng được nhiệm vụ giáo dục theo chương trình mới. Xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học, cử tham gia bồi dưỡng theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT và triển khai, hướng dẫn, tập huấn lại cho 100% giáo viên tại địa phương. Khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho nhà giáo được thường xuyên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí, công việc đảm nhiệm.
Là cấp học đầu tiên triển khai chương trình GDPTM, cấp tiểu học đang từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, nhất là với lớp 1. Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 92,7% trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, 57,4% học sinh học 2 buổi/ngày, trong đó số học sinh học 2 buổi/ngày bán trú chiếm 28%.
Bà Hồ Thị Phi Yến, Trưởng Phòng giáo dục mầm non - tiểu học (Sở GD&ĐT), chia sẻ: Năm học 2019 - 2020 rất quan trọng, bởi đây là năm bản lề để giáo dục tiểu học chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho việc thực hiện chương trình GDPTM. Trước mắt, Sở đã xây dựng đề án tổ chức dạy 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu năm học 2020 - 2021, 100% học sinh lớp 1 chương trình GDPTM được học 2 buổi/ngày; đồng thời bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý, giáo viên.
Đảm bảo cơ sở vật chất
Chủ động chuẩn bị cho chương trình, phòng GD&ĐT các huyện cũng đã tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, rà soát đội ngũ cán bộ giáo viên. Tính đến tháng 9.2019, huyện Hoài Ân có 8/14 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (tỷ lệ 57,1%) và 3 trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3 (tỷ lệ 21,4%). Kế hoạch của huyện phấn đấu mỗi năm xây dựng và được công nhận 1 trường đạt chuẩn quốc gia; giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục xây mới 86 phòng học, đảm bảo cơ bản đủ triển khai chương trình GDPTM.
Đặc biệt, Hoài Nhơn là huyện đã sớm xây dựng hệ thống trường bán trú cấp tiểu học. Đến nay, toàn huyện có 80% trường tổ chức dạy học bán trú. Bà Nguyễn Thị Hoài Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoài Nhơn, chia sẻ: Mô hình bán trú ở huyện đã tổ chức được 6 năm, đến nay cơ sở vật chất dần được đầu tư, bếp ăn, khu vệ sinh đảm bảo, phụ huynh yên tâm gửi con. Đây là điều kiện thuận lợi để các trường triển khai chương trình GDPTM.
Cùng với cấp tiểu học, dù sẽ triển khai sau 1 năm nhưng nhiều trường THCS đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng. “Cùng với hướng dẫn của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, giáo viên sẽ tự tìm tòi, trang bị cho mình những kiến thức để đáp ứng được phương pháp dạy học mới. Về phía nhà trường, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng chương trình mới” - bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn) - cho biết.
Không chỉ ở thành phố, thị xã, nhờ chủ động đề xuất với UBND huyện và Sở GD&ĐT, các huyện miền núi, trung du cũng cơ bản đảm bảo được cơ sở vật chất để chuẩn bị triển khai chương trình GDPTM. Ông Bùi Xuân Ngọc, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Đến nay, huyện đã chuẩn bị cơ sở vật chất để năm học 2020 - 2021 dạy 2 buổi/ngày. Thực tế là một vài trường đã dạy 2 buổi ở một số ngày trong tuần. Hiện tại, Phòng đang tiếp tục rà soát để báo cáo UBND huyện đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồng thời rà soát đội ngũ giáo viên để có những điều chỉnh phù hợp.
Có một điểm mà khi nghe nhắc đến, nhiều phụ huynh khá phấn khởi, đó là chương trình GDPTM giảng dạy nhiều kiến thức gần gũi với địa phương. Được biết, Sở GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với nhiều sở, ban, ngành có liên quan để xây dựng chương trình, nội dung giáo dục địa phương từng cấp học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản, thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường… của tỉnh Bình Định.
THẢO KHUY