Ngăn ngừa tội phạm tiêu thụ tài sản trộm cắp
Thực tế, dù biết người có hành vi cướp giật, trộm cắp tài sản với người mua tài sản đó (người tiêu thụ) có mối liên hệ với nhau, nhưng để chứng minh lại không hề dễ dàng.
Tang vật cơ quan chức năng thu giữ trong các vụ trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Ông Đỗ Văn Quý, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế chức vụ, Viện KSND tỉnh, cho rằng một khó khăn trong công tác điều tra và xét xử là người bị truy cứu trách nhiệm hình sự không thừa nhận mình “biết rõ” đó là đồ gian, dù thực tế ngược lại. Với những tài sản có giá trị lớn, theo quy định của pháp luật, phải có giấy tờ sở hữu để chứng minh nguồn gốc, nhưng với việc tiêu thụ tài sản có giá trị không cao như nữ trang, vàng bạc, túi xách..., cơ quan chức năng khó có căn cứ để quy kết người mua.
Mới đây, ông Nguyễn Văn T. (TP Quy Nhơn) được Hội đồng xét xử TAND tỉnh mời lên dự tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong một vụ cướp giật tài sản. Ông T. là người đã tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, tuy nhiên vì “không biết” đó là tài sản trộm cắp nên ông chỉ bị cơ quan chức năng tịch thu tang vật. Vị chủ tọa phiên tòa cho rằng: “May cho ông là không biết đó là tài sản do phạm tội mà có, chứ nếu biết thì hôm nay đã cùng đứng chung với các bị cáo rồi. Mong rằng qua vụ việc lần này, ông sẽ cảnh giác hơn khi mua bán tài sản giá rẻ, cũng như phải kiểm tra nguồn gốc hàng hóa”.
Thực tế cho thấy, người tiếp tay tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có thể không biết thật, nhưng cũng không ít trường hợp biết rõ mà vẫn bất chấp. Vì vậy, theo một trinh sát của Phòng Cảnh sát điều tra, CA tỉnh, để xác định một người có “biết rõ” tài sản do phạm pháp mà có hay không, phải căn cứ vào các tình tiết khách quan. Đặc biệt là nhân thân và mối quan hệ giữa họ với người có tài sản do phạm tội mà có, cũng như căn cứ vào việc giao dịch giữa người tiêu thụ và người có tài sản. Trường hợp của bị cáo Trần Minh Hùng (SN 1982, TP Quy Nhơn) bị xét xử và tuyên phạt 9 tháng tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là một ví dụ. Lúc đầu, Hùng phủ nhận hành vi “biết rõ” của mình, chỉ khăng khăng rằng vì ham rẻ và tin tưởng đó là xe chính chủ nhưng bị mất giấy tờ nên mua. Nhưng trước các chứng cứ buộc tội được đưa ra, cũng như phân tích của hội đồng xét xử, Hùng đã phải thừa nhận mình hám lợi mà bất chấp pháp luật.
Được biết, tỷ lệ nhóm tội xâm phạm sở hữu, gồm trộm cắp tài sản, cướp tài sản, cướp giật tài sản, chiếm khoảng 50% trong tổng cơ cấu tội phạm hiện nay. Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng có mối quan hệ mật thiết với nhóm tội này và chiếm tỷ lệ không ít, nhưng việc xử lý tội này hiện vẫn chưa tương xứng.
Vì vậy, để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng kẻ gian tiêu thụ tài sản trộm cắp được, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý chặt hoạt động của tiệm cầm đồ, điểm kinh doanh hàng đã qua sử dụng bằng biện pháp hành chính, hóa đơn, thuế… Đối với những người bán hàng không rõ nguồn gốc ngoài vỉa hè, đường phố, cần có biện pháp cứng rắn hơn, đồng thời tạo điều kiện cho họ buôn bán có nơi, có chỗ để tiện việc quản lý. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án nhằm đảm bảo sự đồng bộ, nhịp nhàng trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này tại địa phương; gắn công tố với hoạt động điều tra nhằm tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm”, ông Quý nói thêm.
KIỀU ANH